Các chuyên gia kêu gọi châu Á-Thái Bình Dương hợp sức loại bỏ bệnh sốt rét toàn cầu

0 184 0

Khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã đạt được nhiều ​​thành công đáng kể trong cuộc chiến chống lại bệnh sốt rét. Các hội nghị thượng đỉnh tại Đông Á gần đây đã chứng kiến ​​những người đứng đầu chính phủ và các bộ trưởng ngoại giao trong khu vực tái khẳng định quyết tâm loại bỏ căn bệnh này vào năm 2030. Cam kết và các nguồn lực mới đã giúp giảm tỷ lệ các trường hợp mắc và tử vong do bệnh sốt rét trên toàn khu vực.

Dựa trên thành công này, các chuyên gia trên thế giới hiện nay tin tưởng rằng con người có thể loại bỏ căn bệnh này vào năm 2050, theo một báo cáo mới của Ủy ban Lancet về loại trừ bệnh sốt rét.

Buổi ra mắt báo cáo quan trọng này của Ủy ban Lancet tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương được tổ chức ngày 8/10/2019 tại Đại học Quốc gia Singapore. Báo cáo tổng hợp bằng chứng hiện có với các phân tích dịch tễ học và tài chính mới để chứng minh rằng - với các công cụ, chiến lược phù hợp và nguồn tài trợ đầy đủ - căn bệnh sốt rét có thể bị loại bỏ trong một thế hệ. Được ủy quyền bởi 41 nhà nghiên cứu về bệnh sốt rét, nhà khoa học y sinh, nhà kinh tế và chuyên gia chính sách y tế hàng đầu thế giới, báo cáo của Ủy ban là tài liệu học thuật được bình duyệt đầu tiên bởi các chuyên gia trên toàn thế giới.

image article

Buổi ra mắt báo cáo mới của Ủy ban Lancet về loại trừ bệnh sốt rét tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương được tổ chức ngày 8/10/2019 tại Đại học Quốc gia Singapore

Ông Richard Feachem, đồng chủ tịch Ủy ban Lancet về loại trừ bệnh sốt rét và Giám đốc Tập đoàn Y tế toàn cầu tại Đại học California, San Francisco (UCSF) cho biết “Việc loại trừ bệnh sốt rét từng là một giấc mơ xa vời, nhưng bây giờ chúng tôi đã có bằng chứng cho thấy bệnh sốt rét có thể và nên được loại bỏ vào năm 2050.”

Khu vực châu Á-Thái Bình Dương đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ bệnh sốt rét toàn cầu

Trong khi các nơi khác trên thế giới gần đây đã chứng kiến ​​sự gia tăng của các ca sốt rét thì khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục cho thấy những dấu hiệu đáng khích lệ. Từ năm 2016 đến 2017, chỉ riêng Ấn Độ đã đạt được mức giảm 3 triệu ca sốt rét (24%), đồng thời là quốc gia duy nhất trong số 11 quốc gia có gánh nặng bệnh tật cao ghi nhận sự giảm dần các ca sốt rét.

Các quốc gia từng bị ảnh hưởng bởi bệnh sốt rét bao gồm Singapore và Sri Lanka đã loại bỏ bệnh sốt rét và xu hướng tích cực này đang tiếp tục đà phát triển. Trung Quốc, Malaysia và Timor-Leste ghi nhận gần đây không có trường hợp nào mắc bệnh sốt rét bản địa, Bhutan và Nepal đang trên đà loại trừ căn bệnh này.

TS Vivian Balakrishnan, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Singapore cho biết: “Kiến thức chuyên môn và công nghệ loại trừ bệnh sốt rét hiện đang có sẵn trong khu vực. Chúng ta có thành công hay không thực sự là vấn đề về ý chí chính trị.. Các quốc gia đã loại trừ bệnh sốt rét như Singapore đang hỗ trợ các nước khác. Kinh nghiệm có được trong hành trình loại bỏ bệnh sốt rét ở châu Á có thể hỗ trợ cho nỗ lực loại trừ căn bệnh này trên toàn cầu.”

Đà tăng trưởng to lớn này cần phải được duy trì để vượt qua mối đe dọa của bệnh sốt rét kháng thuốc xuất hiện trên Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) và các khu vực khác. Bệnh sốt rét đa kháng thuốc lần đầu tiên xuất hiện ở Campuchia và Thái Lan vào năm 2008 và kể từ đó đã được phát hiện ở Lào, Myanmar và Việt Nam. Cho đến khi đạt được mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét, tình trạng kháng thuốc sẽ là mối đe dọa thường trực đối với tiến trình loại bỏ căn bệnh này và sẽ cần được đầu tư liên tục.

GS. Arjen Dondorp, một trong những ủy viên, Trưởng Đơn vị sốt rét và Phó phòng nghiên cứu Y học Nhiệt đới Mahidol Oxford ở Thái Lan cho biết nếu tình trạng kháng thuốc gia tăng, bệnh sốt rét sẽ có nguy cơ lan rộng và gây nguy hại cho những thành công đạt được và sự đầu tư đã được thực hiện.”

Chiến đấu thông minh hơn, kéo giảm biểu đồ sốt rét

Cuộc chiến chống sốt rét ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiềm ẩn cả cơ hội và sự cấp bách. Ủy ban kêu gọi các hành động cụ thể và thận trọng để kéo giảm biểu đồ sốt rét và đẩy nhanh việc giảm lây truyền bệnh sốt rét trong khu vực và trên toàn cầu.

Việc cần thiết đầu tiên là quản lý và thực hiện hiệu quả các chương trình phòng chống bệnh sốt rét. Năng lực quản lý chương trình mạnh mẽ hơn, quá trình đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu nhanh hơn, sự tham gia tích cực của cộng đồng và hợp tác với khu vực tư nhân sẽ cải thiện đáng kể việc thực hiện chương trình.

Thứ hai, sự đổi mới là rất quan trọng để vượt qua các thách thức sinh học nhằm loại bỏ bệnh sốt rét, bao gồm phương pháp chẩn đoán, thuốc và kiểm soát vật chủ trung gian truyền bệnh cũng như các phương pháp mới giúp giải quyết các thách thức kỹ thuật cấp bách nhất của khu vực về tình trạng muỗi đốt ngoài trời, kháng thuốc và đáp ứng nhu cầu của những cộng đồng có nguy cơ cao mắc bệnh sốt rét.

Theo Ủy ban Lancet, sự lãnh đạo, quản trị mạnh mẽ và tận tâm là yếu tố cần thiết để đạt được mục tiêu loại bỏ bệnh sốt rét. Năm 2014, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, đồng chủ trì với Thủ tướng Úc Tony Abott của Liên minh các nhà Lãnh đạo châu Á - Thái Bình Dương chống bệnh sốt rét (APLMA), hiệp hội đầu tiên của những người đứng đầu chính phủ, cam kết chiến đấu với bệnh sốt rét. Hiện nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Dam đã kêu gọi sự hỗ trợ của APLMA trong việc chia sẻ kinh nghiệm và đào tạo nhân sự để thực hiện lộ trình loại bỏ hoàn toàn bệnh sốt rét ở Việt Nam và khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2030.

Cuối cùng, loại trừ bệnh sốt rét sẽ đòi hỏi mức đầu tư hàng năm ngày càng tăng. Chiến dịch loại trừ bệnh sốt rét toàn cầu có thể tiêu tốn khoảng 6-8 tỷ USD mỗi năm. Hiện nay, thế giới đã chi khoảng 4,3 tỷ USD. Ủy ban đề xuất tăng ngân sách chính phủ chống lại bệnh sốt rét. Xu hướng tăng mức hỗ trợ tài chính trong nước cho bệnh sốt rét ở châu Á-Thái Bình Dương cần được duy trì.

TS. Benjamin Rolfe, Giám đốc điều hành của APLMA và là thành viên của Ủy ban cho biết: “Sự lãnh đạo mạnh mẽ và trách nhiệm giải trình đóng vai trò quan trọng trong việc kéo giảm số ca mắc sốt rét. Ủy ban đề xuất rằng động lực để loại bỏ bệnh sốt rét toàn cầu phải là nhân tố thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình này trong khu vực. Châu Á-Thái Bình Dương đang thực sự dẫn đầu chiến dịch khi 23 nhà lãnh đạo cam kết loại bỏ bệnh sốt rét trong khu vực vào năm 2030. Nếu chúng ta tiếp tục kiên định, những hành động của chúng ta trong khu vực sẽ thúc đẩy mọi người hướng tới một thế giới không có bệnh sốt rét vào đầu năm 2050.”

Ý kiến bạn đọc 0