Cần làm gì sau khi tiếp xúc với người nghi nhiễm corona?

0 4870 395

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng phòng Công tác xã hội kiêm điều hành khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết khi nghi ngờ bản thân tiếp xúc với người có nguy cơ nhiễm virus corona, việc đầu tiên bạn cần làm chính là lập tức tự cách ly bản thân trong vòng 14 ngày.

Từ dấu hiệu đến cách ly và điều trị

Khi nghi ngờ tiếp xúc với người có thể nhiễm virus corona, trong thời gian cách ly, bạn không nên tiếp xúc với những người xung quanh.

Người đang cách ly cần hạn chế đến mức thấp nhất việc đi ra ngoài cộng đồng. Nếu tiếp xúc với người khác, người đang cách ly luôn luôn phải mang khẩu trang và thường xuyên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

14 ngày tự cách ly là thời gian bạn phải theo dõi kỹ tất cả dấu hiệu bất thường của cơ thể. Nếu phát hiện các triệu chứng sốt, ho, khó thở, chảy máu mũi, đau họng, đau đầu… phải lập tức đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra, cách ly, điều trị kịp thời để tránh lây lan virus ra cộng đồng.

Theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, đối với người bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính (ho, sốt...), các cơ sở y tế phải tiến hành phân luồng và bố trí buồng khám riêng. Đặc biệt lưu ý khi có yếu tố dịch tễ của người bệnh sống hoặc đến từ Trung Quốc trong vòng 14 ngày.

Tại cơ sở y tế, bạn sẽ được lấy mẫu bệnh phẩm (dịch ngoáy họng, mẫu máu) để gửi xét nghiệm. Các mẫu bệnh phẩm nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do nCoV sẽ được gửi tới Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đối với các tỉnh khu vực phía Bắc, Viện Pasteur Nha Trang đối với các tỉnh khu vực Miền Trung và Viện Pasteur TP.HCM đối với các tỉnh khu vực phía Nam.

Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, người bệnh có thể tiếp tục cách ly cho đến khi hết thời gian ủ bệnh. Nếu không có dấu hiệu bất thường, người dân có thể trở về sinh hoạt tại cộng đồng.

Cần làm gì sau khi tiếp xúc với người nghi nhiễm corona?

Khu vực cách ly người nghi nhiễm virus corona tại Bệnh viện E (Hà Nội). Ảnh: T.X.

Trường hợp có diễn biến nặng hoặc được xác định dương tính với virus corona, người bệnh sẽ được chuyển tới bệnh viện tuyến cuối theo phân tuyến điều trị của Bộ Y tế.

- Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở Kim Chung) tiếp nhận người bệnh từ Hà Tĩnh trở ra. Trường hợp hết cơ số giường bệnh dự phòng của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, người bệnh sẽ được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương.

- Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận người bệnh khu vực các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên (từ Quảng Bình đến Phú Yên).

- Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM tiếp nhận người bệnh thuộc các tỉnh từ Khánh Hòa trở vào. Trường hợp hết giường, bệnh nhân sẽ được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

 

“Những người đi từ Vũ Hán hay từ Trung Quốc, người có tiếp xúc trên lộ trình của các bệnh nhân dương tính với nCoV cần xác định tự cách ly bản thân trong vòng 14 ngày, có triệu chứng đi khám ngay. Đó là trách nhiệm với cộng đồng”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.

Ai có nguy cơ và phơi nhiễm virus corona?

Theo bác sĩ Khanh, vùng nguy cơ của virus corona mới là thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc và rộng hơn là Trung Quốc. Tuy nhiên, người đến từ vùng nguy cơ không có nghĩa là nghi ngờ, càng không có nghĩa là đã phơi nhiễm.

Cần làm gì sau khi tiếp xúc với người nghi nhiễm corona?

Khi tiếp xúc với người nghi mắc virus corona, bạn phải lập tức cách ly 14 ngày vì đây là thời gian ủ bệnh. Ảnh: CNN.

Người nghi ngờ nhiễm virus corona phải là người đến vùng nguy cơ, tiếp xúc với các đối tượng mắc bệnh và có triệu chứng nghi ngờ (các triệu chứng liên quan đến hô hấp như sốt, ho, khó thở…) còn trong thời gian ủ bệnh.

Những người có nguy cơ này cần tự cách ly (trong 14 ngày) cho đến khi chứng minh không mang virus corona trong người, kết quả xét nghiệm âm tính.

Nếu các đối tượng đến từ vùng nguy cơ nhưng lưu trú quá thời gian ủ bệnh (quá 14 ngày) xem như không còn nguy cơ và không có nhiều nghi ngờ.

Trong khi đó, người phơi nhiễm với virus corona là người có tiếp xúc gần với người chắc chắn mắc bệnh hoặc có khả năng mắc bệnh cao.

Nếu sau 14 ngày cách ly, hết thời gian ủ bệnh mà không có dấu hiệu hô hấp bất thường nghĩa là không nghi ngờ nhiễm nCoV. Khi đó, nếu kết quả xét nghiệm âm tính, đối tượng phơi nhiễm sẽ được trở về cộng đồng.

Cần làm gì sau khi tiếp xúc với người nghi nhiễm corona?

Đồ họa: Minh Hồng.

(Theo Zing)

Ý kiến bạn đọc 0