Chúng tôi đầu hàng! – Nga chế giễu siêu tên lửa "nhanh gấp 17 lần" của Mỹ, ông Trump bẽ bàng vì nói hớ?

0 31319 3845
Ảnh minh họa. Nguồn: Aerospace America

Chúng tôi đầu hàng!

Không bao lâu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump "khoe" về loại tên lửa siêu mạnh, có thể bỏ xa các mẫu tên lửa của Nga-Trung hiện nay, người đứng đầu Cơ quan Vũ trụ Nga Dmitry Rogozin đã đăng ngay dòng tweet đáp trả với giọng điệu châm biếm.

"Chà, chúng tôi chẳng thể làm gì để chống lại loại ‘siêu’ tên lửa đó rồi". Chúng tôi ‘đầu hàng’!

Trước đó, trong buổi lễ ra mắt lá cờ mới của Lực lượng Không gian tại Nhà Trắng vào thứ Sáu tuần trước, ông Trump đã đưa ra tuyên bố gây chú ý, trở thành tiêu đề nóng trên các trang báo ngay sau đó.

"Chúng ta không có lựa chọn nào khác, mà phải làm vậy để đối phó với các đối thủ bên ngoài. Chúng ta có thứ mà tôi gọi là siêu tên lửa, tôi nghe nói rằng nó bay nhanh gấp 17 lần mọi thứ chúng ta có hiện nay" - Tổng thống Mỹ phát biểu hôm 16/5.

Chúng tôi ‘đầu hàng’! - ông Dmitry Rogozin chế giễu tuyên bố của Tổng thống Mỹ trên Twitter. Ảnh minh họa: zoomnews.in

Ông chủ Nhà Trắng không đưa ra bất cứ manh mối nào về loại tên lửa bí ẩn nhưng có thể dự đoán đó là một loại đạn có khả năng di chuyển nhanh hơn nhiều lần tốc độ âm thanh.

"Các vị đã nghe nói rằng Nga có loại [tên lửa] nhanh gấp 5 lần, Trung Quốc đang nghiên cứu loại nhanh gấp 5 hoặc 6 lần, và giờ thì chúng ta có loại nhanh gấp 17 lần" – ông Trump nói.

Tuy nhiên, theo hãng tin CNN, Lầu Năm Góc lại không sẵn lòng xác nhận tuyên bố của vị Tổng thống.

Hơn 4 tiếng sau bài phát biểu của ông Trump, người phát ngôn của Lầu Năm Góc Jonathan Hoffman không đưa ra phát ngôn trực tiếp nào liên quan tới tuyên bố của Tổng thống, mà chỉ "xác nhận" gián tiếp qua một dòng tweet rằng, Lầu Năm Góc đang phát triển các tên lửa siêu vượt âm, mà theo định nghĩa, có khả năng di chuyển nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh.

"Bộ Quốc phòng Mỹ đang phát triển các tên lửa siêu vượt âm để đối phó với những đối thủ của chúng ta" – ông Hoffman viết trên twitter.

Trong khi đó, Trung tá Robert Carver, một đại diện phát ngôn khác của Lầu Năm Góc nói với CNN: "Chúng tôi sẽ không thảo luận về năng lực của bất cứ hệ thống nào mà chúng tôi có thể đã hoặc không phát triển".

Sự hiểu nhầm lớn

Theo tờ Business Insider, đây không phải là lần đầu tiên ông Trump đưa ra tuyên bố về loại "siêu tên lửa" của nước Mỹ. Hồi tháng Hai năm nay, ông chủ Nhà Trắng cũng đưa ra mô tả tương tự về các loại vũ khí siêu vượt âm và nhấn mạnh rằng Mỹ đã có trong tay "các tên lửa siêu tốc" có khả năng di chuyển "gấp 4,5,6 và thậm chí 7 lần tên lửa thông thường".

Bộ quốc phòng Mỹ đã dành sự quan tâm lớn cho các loại vũ khí siêu vượt âm (HGV – Hypersonic Glide Vehicles) kể từ đầu những năm 2000, sau khi nhận thấy những tiến bộ về công nghệ của Nga và Trung Quốc.

Mỹ đã thử nghiệm thành công một phương tiện bay siêu vượt âm không vũ trang vào tháng Ba vừa qua, trong khi đó, Nga và Trung Quốc dự kiến sẽ triển khai các HGV có khả năng hoạt động ngay trong năm nay.

Cuộc thử nghiệm phương tiện bay siêu vượt âm của Mỹ hồi tháng Ba năm nay. Ảnh: Hải quân Mỹ

Tướng Không quân Mỹ Paul Selva, Phó chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ cho biết, Mỹ vẫn đang trong cuộc đua, mặc dù hai đối thủ của Washington đã đi trước một bước trong giai đoạn thử nghiệm vũ khí siêu vượt âm.

"Chúng ta đã đánh mất lợi thế trong lĩnh vực vũ khí siêu vượt âm" – ông Selva phát biểu hồi tháng Một năm nay – "Nhưng chúng ta vẫn chưa thua trong cuộc đua đó".

Ông Kingston Reif, Giám đốc phụ trách chính sách giảm thiểu đe dọa và giải trừ vũ khí tại Hiệp hội kiểm soát vũ khí Mỹ cho rằng, tốc độ "nhanh gấp 17 lần" mà ông Trump đề cập về loại tên lửa mới có thể liên quan tới tốc độ ước tính của HGV [dao động từ mức tối thiểu Mach 5 cho tới khoảng Mach 20].

Tuy nhiên, theo ông Reif, ông Trump đã sai khi mô tả HGV này nhanh hơn "các loại tên lửa hiện nay", nó cho thấy vị Tổng thống đã hiểu nhầm về năng lực của loại vũ khí mới.

"Tốc độ của những vũ khí này (và cả tên lửa hành trình siêu vượt âm – loại châm hơn HGV) quả thực nhanh hơn các loại tên lửa thông thường phóng từ trên không và trên biển của Mỹ hiện nay, chẳng hạn như tên lửa JASSM và Tomahawk bay với tốc độ dưới âm", ông Reif nói, "nhưng chúng không nhanh hơn các tên lửa đạn đạo liên lục địa hạt nhân của Mỹ. Những tên lửa này có thể đạt tốc độ trên Mach 20".

Chẳng hạn, tên lửa ICBM LGM-30 Minuteman của Không quân Mỹ có thể đạt tốc độ lên tới Mach 23.

Ông Reif cho rằng, Tổng thống Mỹ đã có sự cường điệu và hiểu nhầm về giá trị, cũng như năng lực của vũ khí siêu vượt âm do nó chưa được đề cập nhiều trong các cuộc thảo luận về vũ khí.

Theo vị chuyên gia, Mỹ nên tập trung vào vấn đề ổn định khủng hoảng và những rủi ro leo thang mà vũ khí siêu vượt âm có thể gây ra.

 

Theo ttvn.vn

Ý kiến bạn đọc 0