Có nên coi tài xế công nghệ là một ngành nghề chuyên nghiệp?

0 38 0

Nhiều người mong muốn nghề tài xế công nghệ được công nhận là một ngành nghề chuyên nghiệp.

Ngày 10/10, Công ty Cổ phần Be Group đã công bố thỏa thuận hợp tác giữa Be Group với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) và khai giảng khóa huấn luyện tài xế công nghệ chuyên nghiệp đầu tiên với mục chuẩn hóa và tôn vinh lực lượng lao động này.

Tại sự kiện, đại diện BeGroup cho biết: Những năm trở lại đây, nghề tài xế công nghệ đang ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam. Theo uớc tính có đến hơn 300.000 tài xế công nghệ đang phục vụ trong lĩnh vực ứng dụng gọi xe. Hiện cả nước cũng có 380 cơ sở sát hạch, đào tạo lái xe nhưng chưa có nơi nào cung cấp kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ chuyên nghiệp cho tài xế công nghệ.

Cũng theo kết quả khảo sát “Kỳ vọng của tài xế công nghệ” do Thạc sĩ Xã hội học Trần Nam, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM thực hiện hồi tháng 8 vừa qua cho thấy, có tới 47% tài xế công nghệ cảm thấy không được tôn trọng trong quá trình tiếp xúc với khách hàng, biểu hiện qua các hành vi như: để tài xế chờ quá lâu, hủy chuyến mà không phản hồi hay việc dùng từ ngữ thiếu tôn trọng để giao tiếp.

69,8% tài xế công nghệ mong muốn được đối xử tôn trọng hơn, thông qua nguyện vọng người dùng (khách hàng) có thái độ và hành động đúng mực khi sử dụng dịch vụ, không phân biệt tài xế công nghệ và phản hồi đúng về chất lượng dịch vụ. 33% tài xế công nghệ muốn được công nhận đây là một nghề nghiệp chính thức.

Bên cạnh sự thiếu hụt trong việc xây dựng quy trình chuyên nghiệp hóa nghề tài xế công nghệ, đối tượng lao động này còn không được hưởng chế độ phúc lợi như bảo hiểm y tế - sức khỏe, chế độ lương hưu dù mỗi ngày họ làm việc trung bình 6-12 giờ với nhiều khó khăn, nguy hiểm tiềm ẩn. Khảo sát trên cũng chỉ ra, gần 60% tài xế công nghệ mong muốn được hưởng chế độ bảo hiểm tốt hơn.

Như vậy, dù có đến 56,7% tài xế công nghệ lạc quan về nghề nghiệp vì thu nhập tốt nhưng công việc này chưa thật sự được luật pháp và xã hội bảo vệ xứng đáng. Bên cạnh đó, nghề tài xế công nghệ chưa nhận được nhiều sự cảm thông và tôn trọng của đại bộ phận cộng đồng. Điều này cũng gây nên những hệ quả không đáng có trong quá trình thực hiện chuyến đi.

Ông Đỗ Mạnh Tuân – Phó Tổng Giám đốc Be Group và Ông Trương Anh Dũng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) thực hiện Lễ ký kết nhằm chuẩn hóa nghề tài xế công nghệ tại Việt Nam.

Theo ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Be Group: Mục tiêu dài hạn của be là muốn xã hội công nhận tài xế công nghệ là một nghề bởi họ cũng lao động khoảng 6-12 tiếng/ngày. Đã là nghề thì họ phải được cộng đồng tôn trọng, được bảo vệ bởi pháp luật, chính sách của các cơ quan quản lý Nhà nước, Luật Lao động. "Chúng tôi rất vui mừng khi định hướng của be từ những ngày đầu thành lập đã từng bước được hiện thực hóa thông qua việc hợp tác với Bộ LĐ-TB&XH để tiến vào lộ trình chuẩn hóa nghề tài xế công nghệ, góp phần giúp cơ quan nhà nước quản lý tốt hơn và đồng thời hoàn thiện các chính sách an sinh, xã hội cho lực lượng lao động này”.

Ý kiến bạn đọc 0