Cứu hành khách khó thở, kiểm soát viên không lưu phân luồng máy bay

0 5613 554

KSVKL - những người được ví như CSGT điều hành hoạt động bay trên trời, ngày Tết ít khi được sum vầy cùng gia đình. Thay vào đó, công việc của họ là điều hành những chuyến bay đảm bảo an toàn.

Cứu hành khách khó thở, kiểm soát viên không lưu phân luồng máy bay
Dịp cao điểm Tết, do lượng máy bay về sân bay Tân Sơn Nhất đông nên công việc của KSVKL rất vất vả, áp lực

Anh Đỗ Hữu Linh (SN 1983, quê Hà Nội), KSVKL tiếp cận ra-đa Tân Sơn Nhất cho biết, do đặc thù công việc nên 16 năm nay anh không nghỉ Tết.

‘Ngày Tết mật độ máy bay đi/đến sân bay đông nên chúng tôi đều phải trực 24/24 giờ. Chúng tôi hay nói vui KSVKL là nghề không được ốm, không được nghỉ phép trong dịp Tết”, anh Linh nói.

Anh Linh chia sẻ, ngày Tết ở Tân Sơn Nhất có thời điểm 15-16 chuyến bay xin cất cánh, cộng thêm hàng chục chuyến chuẩn bị hạ cánh thì công việc của KSVKL rất vất vả.

Một mặt KSVKL phải điều hành cho các chuyến bay cất cánh để giải toả ùn tắc dưới đất, mặt khác phải điều hành cho các chuyến bay trên trời bay vòng chờ hạ cánh.

Cứu hành khách khó thở, kiểm soát viên không lưu phân luồng máy bay
Cao điểm Tết, lo máy bay xếp hàng chờ bay

Trong tình huống mật độ máy bay dồn về sân bay quá đông, KSVKL phải phối hợp với quản lý bay đường dài cho máy bay ở sân bay địa phương cất cánh về Tân Sơn Nhất chậm hơn 4-5 phút so với kế hoạch để giãn cách hoạt động bay, giảm tải cho sân bay.

Ưu tiên hạ cánh khẩn cấp cứu hành khách

Anh Nguyễn Văn Dương, kíp trưởng không lưu tiếp cận sân bay Tân Sơn Nhất (SN 1978, quê Thái Bình), người có 20 năm làm KSVKL chia sẻ, dịp Tết máy bay đông nên đã có không ít tình huống "dở khóc, dở cười”.

Đó là tình huống luồng tiếp cận vào đông, lúc này có hàng chục chuyến bay xếp hàng chờ hạ cánh theo thứ tự. Nhưng bất ngờ chuyến bay phía sau có hành khách bị tức ngực, khó thở cần được ưu tiên hạ cánh khẩn cấp để cấp cứu.

Cứu hành khách khó thở, kiểm soát viên không lưu phân luồng máy bay
KSVKL Nguyễn Văn Dương

Anh Dương phải yêu cầu các máy bay phía trước bay giãn ra để nhường đường cho chuyến bay ưu tiên hạ cánh trước.

“Cứu người như cứa lửa nên khi nhận được tin khách cấp cứu trên máy bay, chúng tôi phải nhanh chóng điều hành giãn cách các chuyến bay phía trước để nhường đường cho máy bay ưu tiên hạ cánh, cứu người kịp thời”, anh Dương chia sẻ.

 

Anh Phạm Ngọc Thuận (SN 1983, quê Thanh Trì, Hà Nội) có 14 năm làm KSVKL tiếp cận tại sân ở Nội Bài cho biết, cao điểm Tết mật độ bay rất cao nên không tránh khỏi tình trạng máy bay về trễ so với kế hoạch.

Chỉ cần một sự cố nhỏ có thể gây chậm, huỷ chuyến dây chuyền tới hàng loạt chuyến bay nên áp lực điều hành bay với KSVKL rất lớn.

“Mỗi khi gặp sự cố, hoặc điều kiện thời tiết xấu, KSVKL chúng tôi rất sốt ruột khi thấy hành khách ngồi trên chuyến bay không thể hạ cánh.

Tuy nhiên, an toàn phải được đặt lên trên hết nên trong bất kỳ tình huống nào chúng tôi cũng không được phép sai sót, phải tính toán kỹ lưỡng trước khi cho máy bay hạ cánh”, anh Thuận cho biết.

Cứu hành khách khó thở, kiểm soát viên không lưu phân luồng máy bay
CSGT không lưu "căng sức" điều hành bay dịp Tết

Anh Thuận chia sẻ thêm, 14 năm làm KSVKL tại Nội Bài, anh cũng từng gặp không ít sự cố tình huống khó trong điều hành bay.

Đó là sự cố chuyến bay của hãng hàng không Air Mekong năm 2009. Khi đó máy bay của hãng bay từ TP.HCM về đến Nội Bài thì gặp thời tiết xấu không thể hạ cánh, buộc phải bay chờ.

Tuy nhiên hết thời gian bay chờ hơn 1 tiếng đồng hồ máy bay vẫn không thể hạ cánh. Lúc này phi công xin bay đi sân bay dự bị Cát Bi, nhưng sân bay Cát Bi cũng gặp sự cố thời tiết tương tự

Trước tình huống này, phi công yêu cầu được bay về sân bay dự bị Đà Nẵng, nhưng máy bay không còn đủ nhiên liệu. Không còn cách nào khác, phi công Air Mekong xin tiếp cận hạ cánh xuống Nội Bài.

Cứu hành khách khó thở, kiểm soát viên không lưu phân luồng máy bay
Anh Phạm Ngọc Thuận

Rất may khi máy bay sắp hết nhiên liệu thì thời tiết thuận lợi hơn và KSVKL cho phép hạ cánh xuống Nội Bài đảm bảo an toàn.

“Thực sự đó là tình huống rất khó nhưng rất may khi máy bay hạ cánh đủ điều kiện an toàn. Cả ekip chúng tôi lúc đó đã thở phào hạnh phúc’, anh Thuận chia sẻ.

Vũ Điệp  

Ý kiến bạn đọc 0