Đại gia khó 'sống sót', độc chiêu chờ 'sắp chết' để gom hết

0 42 0

Chờ khó “sống” để thâu tóm

Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, kinh tế số phát triển mạnh mẽ cũng đặt ra những lo ngại cho doanh nghiệp Việt, nhất là khi các doanh nghiệp lớn trên thế giới “nhảy” vào thị trường Việt Nam. Họ chờ doanh nghiệp Việt gặp khó khăn, khó “sống” sẽ tiến hành thâu tóm. Hoặc họ chờ bong bóng bất động sản “nổ tung” để chớp lấy cơ hội.

Ông Nghĩa đánh giá, các doanh nghiệp đang và sẽ phải đối mặt với những khó khăn như tín dụng thắt chặt, luật lệ khắt khe hơn, chậm giải ngân đầu tư công. Đây là những tín hiệu bất lợi cho các doanh nghiệp thiếu vốn, gặp vướng mắc pháp lý.

Bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc cấp cao, Thị trường vốn, JLL Việt Nam nhận định, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, xu hướng dịch chuyển lĩnh vực sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á sẽ tiếp tục mang lại lợi ích cho cả khu vực, bao gồm cả Việt Nam.

Đại gia khó
Nhiều dự án bị thâu tóm

Các nhà đầu tư không ngừng tìm kiếm các tài sản công nghiệp và hậu cần, thông qua liên doanh với các nhà phát triển công nghiệp địa phương hoặc mua lại quỹ đất và các bất động sản đang hoạt động.

Theo đánh giá của JLL, quỹ đất “sạch” và đã bồi thường giải phóng mặt bằng cho các dự án nhà ở và thương mại trong khu vực trung tâm hoặc khu vực đã phát triển ngày càng khan hiếm, khiến cho việc tìm kiếm những cơ hội đầu tư bất động sản chất lượng cũng ngày càng khó khăn.

Theo số liệu thống kê từ Hội Môi giới BĐS Việt Nam, từ đầu năm 2019 đến nay, nguồn cung BĐS có chiều hướng giảm sút, đặc biệt tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Tổng nguồn cung nhà ở tại Hà Nội giảm 25% so với cùng kỳ năm 2018, lượng giao dịch cũng giảm khoảng 28%; trong khi đó, tại TP.HCM mức độ giảm còn mạnh hơn, tổng nguồn cung giảm gần 50%.

Những thương vụ nghìn tỷ

Nhiều dự án trong nước đang đứng trước nhiều khó khăn, hoạt động mua bán và sáp nhập giữa các chủ đầu tư cũng trở nên nhộn nhịp. Thị trường bất động sản Việt Nam 2019 bắt đầu với thương vụ M&A của tập đoàn Keppel Land tại dự án Đồng Nai Waterfront.

 

Theo đó, Keppel Land sẽ bán lại 70% cổ phần tại dự án Đồng Nai Waterfront City cho tập đoàn Nam Long với tổng số tiền là 2.313 tỷ VNĐ (tương đương 100,57 triệu USD). Tập đoàn Keppel Land và tập đoàn Nam Long sẽ cùng phát triển khu dân cư rộng 170 ha tọa lạc tại xã Long Hưng, Biên Hòa, Đồng Nai.

Keppel Land gần đây cũng đã công bố thông tin về việc mua lại ba khu đất tại TP.HCM. Thông qua công ty con, tập đoàn Keppel Land đã ký kết hợp đồng mua bán có điều kiện với tập đoàn bất động sản Phú Long cho 60% cổ phần của toàn khu đất, với tổng số tiền đầu tư là 1.304 tỷ đồng. 

Đại gia khó
BĐS đang gặp nhiều khó khăn

Tổng diện tích của ba khu đất là 6,2 ha, thuộc huyện Nhà Bè, mỗi khu đất cách nhau 400 mét và nằm dọc theo tuyến đường huyết mạch Nguyễn Hữu Thọ. Chủ đầu tư có kế hoạch phát triển khu đất với 2.400 căn hộ cao cấp và nhà phố thương mại, dự án sẽ cung cấp khoảng 14.650m2 không gian thương mại cho khu vực. Tổng chi phí phát triển cho dự án, bao gồm chi phí đất đai, dự kiến sẽ hơn 7.400 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Lotte FLC, một liên doanh giữa tập đoàn FLC và công ty Lotte Land (công ty con của tập đoàn Lotte), đã được thành lập với số vốn điều lệ là 556,5 tỷ đồng để hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, theo báo cáo của Cục quản lý Đăng kí Kinh doanh.

Công ty Lotte Land sẽ sở hữu 60% cổ phần của công ty Lotte FLC và phần còn lại sẽ do tập đoàn FLC và các công ty con nắm giữ. Theo các nguồn tin trên các phương tiện truyền thông, Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đã chia sẻ tại cuộc họp cổ đông gần đây rằng liên doanh được thành lập nhằm mục đích phát triển một khu đất rộng 6,4 ha tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cam kết đầu tư vào Việt Nam đạt gần 18,47 tỷ USD trong sáu tháng đầu năm, tương đương 90,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Dòng vốn FDI cam kết cho lĩnh vực bất động sản trong sáu tháng đầu năm đạt 1,32 tỷ USD, giảm 76% so với con số 5,54 tỷ USD thời điểm cùng kỳ năm 2018.

Nguyên nhân giảm là do lượng vốn đăng kí đầu tư bất động sản vào những tháng đầu năm 2018 khá lớn, chủ yếu đến từ hai dự án: Smart City tại Hà Nội với tổng vốn đầu tư là 4,1 tỷ USD từ tập đoàn Nhật Bản Sumitomo, và dự án Laguna Lang Co tại Thừa Thiên Huế với 1,1 tỷ USD vốn đầu tư từ một doanh nghiệp đến từ Singapore.

Nhìn chung, vốn đầu tư nước ngoài đã đăng ký vào bất động sản trong nửa đầu năm 2019 vẫn tăng trưởng khả quan khi so sánh với cùng kỳ 2016 và 2017, tương ứng lần lượt là 0,6 tỷ USD và 0,7 tỷ USD.

Duy Anh

Ý kiến bạn đọc 0