Đại sứ hữu nghị Saleem Hammad: Chúng tôi rất ngưỡng mộ Việt Nam

0 34953 4573

Cho dù sau này Saleem chia sẻ rằng, anh rất ghét ai khen mình là đẹp trai. “Cứ như thể mọi sự thành công của tôi đều là do đẹp trai mà ra vậy và ngoài đẹp trai ra tôi không còn gì khác” - cậu nhăn mặt nói vậy. Tuy nhiên, bất cứ ai đến dự những bữa tiệc cộng đồng ở nhà đại sứ đều thấy ngộ nghĩnh và đáng yêu khi những thanh niên Palestine thậm chí giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt, bằng vốn khẩu ngữ và thành ngữ, tục ngữ đa dạng mà chỉ người Việt mới dùng, khiến người ta có cảm giác dường như người Palestine nào cũng đều đẹp đẽ như màn bạc và có thể thành thạo tiếng Việt, từ ngài đại sứ Saadi Salama cho đến các nhân viên của mình. Tuy vậy, Saleem không phải nhân viên của Đại sứ quán Palestine, dù mọi sự kiện anh đều có mặt, mà đang phụ trách mảng phân tích truyền thông cho Đại sứ quán Qatar.

Đại sứ hữu nghị SALEEM HAMMAD. Ảnh: NVCC

Không có gì phải nghi ngờ, Palestine là một chủng tộc đẹp về ngoại hình, thông minh về trí óc, khôn khéo trong giao tiếp, kiên định trong quá trình vươn tới mục tiêu và chăm chỉ trong đời sống. Sinh năm 1993, Saleem Hammad là một người Palestine trẻ thành công ở Việt Nam khi anh có một công việc ổn định, một hồi ức sinh viên đầy sôi động ở trường Đại học Hà Nội - nơi anh theo học tiếng Việt khi đã liên tục được các kênh mời cộng tác cho những chương trình truyền hình thực tế, các nhãn hàng thời trang mời làm người mẫu ảnh, rồi tham gia đóng phim và clip ca nhạc, quảng cáo. Anh từng được trang Arabianbusiness.com bình chọn là một trong 100 người Arab có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới năm 2017. Anh cũng giành chiến thắng trước hơn 1.000 thí sinh để trở thành Đại sứ hữu nghị vì hòa bình của Hà Nội 2019 và mới đây là giải nhất cuộc thi viết “Hà Nội trong tôi” do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố Hà Nội tổ chức.

Gặp Saleem, mới đầu người đối diện sẽ đi từ ngạc nhiên đến mắc cười và thích thú khi thấy chàng trai mang nét đẹp điển hình của người Arab nói tiếng Việt nhoen nhoẻn như người Việt.Nhưng một lúc sau, dường như ta sẽ quên bẵng mất anh chàng này đến từ một xứ sở khác và cứ đinh ninh anh ta đã thành người Việt. Đặc biệt là khi nghe những cảm nhận sắc sảo của Saleem về đời sống xã hội và những chia sẻ tận đáy lòng về một tuổi thơ không yên ả ở vùng ngoại thành của Jenin - một thành phố bắc Bờ Tây của Palestine, trong một gia đình đông đúc 5 anh chị em. Năm ấy cha của anh - một công nhân xây dựng - bị tai nạn lao động và buộc phải nghỉ ở nhà. Cậu bé Saleem mới 16 tuổi đã phải đi làm thêm để phụ giúp gia đình. Saleem xin vào làm phục vụ trong một nhà hàng. Tháng lương đầu tiên, Saleem đã mang về nhà 2.500 USD, mức thu nhập gấp 6 lần những người bồi bàn khác, đến nỗi mẹ anh tức giận tưởng con trai mình kiếm tiền bất chính. Saleem vui vẻ giải thích rằng lý do là vì “Em khéo miệng, luôn tươi cười và biết ý khách dù chưa bao giờ phải đi phục vụ nhà hàng”, nên cậu bé đã nhận được rất nhiều tiền tip từ khách hàng. Người chủ nhà hàng khi đó cũng kinh ngạc khi thấy bất cứ khách quen nào đến tiệm cũng chỉ yêu cầu Saleem phục vụ bàn mình nên ông đã đề nghị cậu bé 16 tuổi làm... quản lý khâu phục vụ, để hướng dẫn lại cho các nhân viên chạy bàn khác. Có nhẽ tố chất hoạt ngôn bẩm sinh đã khiến Saleem rất thành công trong các công việc sau này, cũng như nhận được tràng vỗ tay nhiệt liệt sau màn thi ứng xử của cuộc thi Đại sứ hữu nghị vì hòa bình. Tuy nhiên, khi ấy Saleem lại từ chối công việc nhàn nhã với mức lương cao để xin vào làm phụ bếp, mặc cho chủ nhà hàng thuyết phục anh từ bỏ ý định dại dột ấy đi. Saleem giải thích rằng, cậu bé 16 tuổi nghĩ bồi bàn chẳng phải là một nghề, sẽ chỉ có lợi trước mắt chứ không mang lại sự vững chắc lâu dài nên quyết định xin vào làm bếp để học việc, dù phải lao động nặng nhọc, lương lại thấp hơn. Nhờ đó mà sau này sang Việt Nam, anh cũng từng mở được một nhà hàng trước khi đi làm như một công chức ngoại giao.

2. Ngay cả làm bếp, Saleem cũng rất khéo tay và chăm chỉ. Lúc ấy, Saleem định sẽ bỏ học để đi làm nhưng mẹ anh đã kiên quyết phản đối. Saleem nhắc nhiều đến mẹ - một người phụ nữ dường như kém may mắn so với các anh chị em khác khi lấy một người chồng không phải thuộc diện khá giả, nhưng bà là chỗ dựa tinh thần lớn cho Saleem, luôn là người đầu tiên anh gọi điện từ Việt Nam để báo tin vui. Và bà đã quyết định đúng khi ngăn con trai bỏ học. Sau đó, anh đã tốt nghiệp trung học loại ưu và được tất cả 5 học bổng đi Ukraine, Venezuela, Đức, Nga, Trung Quốc, nhưng cha anh từ chối cho con trai đi du học với lý do trên anh có mấy chị gái nhưng anh lại là con trai trưởng trong nhà. Theo truyền thống văn hóa Palestine, con trai trưởng luôn phải lĩnh nhiều trọng trách quan trọng trong gia đình. Vì thế, việc đến Việt Nam, theo anh là một cái duyên vô cùng kỳ lạ. Mặc dù đã đăng ký theo học điện cơ nhưng Saleem không đủ tiền trả học phí, vì vậy anh chuyển đơn sang Học viện cảnh sát là trường đại học miễn học phí cho sinh viên, tuy nhiên chỉ tiêu đầu vào vô cùng gắt gao vì đa phần người học thuộc diện “dòng dõi”. Hôm ấy, Saleem đã dự tuyển xong và đứng ngoài cổng chờ một người bạn để cùng về. Nhưng anh bị một nhân viên bảo vệ ra đuổi để tránh tụ tập đông người. Trong quá trình đôi co, người kia lên tiếng xúc phạm Saleem khi biết cậu bé phải chờ bạn cho bằng được để đi nhờ xe vì không có tiền mua vé về: “Không có tiền mà cũng đòi thi trường này kia à”. Tức giận vì bị sỉ nhục, thấy một người đạo mạo tình cờ đi ngang qua, Saleem chặn lại và hỏi: “Thưa bác, có phải trường này chỉ những người có tiền mới được vào học hay không?”. Saleem không hề hay biết đấy chính là vị tướng có vai trò tổng giám thị điều hành cuộc thi. Ông ta ngạc nhiên khi nghe Saleem tường thuật lại cuộc cãi cọ và lập tức mời cậu bé lên văn phòng, để rồi tiếp tục kinh ngạc khi biết thành tích học tập của cậu. Saleem được đặc cách vào Học viện Cảnh sát Palestine mà không cần chờ kết quả thi tuyển.

Sau vài tháng nhập học, một lần nữa, đích thân hiệu trưởng gọi anh lên để nói về một suất học bổng sang Việt Nam. Saleem cho biết rằng, anh từng được 5 học bổng mà cha mẹ anh đã từ chối cho đi du học nên lần này cũng sẽ vậy thôi. Hiệu trưởng nói rằng: “Học bổng các nước kia khác, đây là đi Việt Nam cơ đấy” và bảo anh thử gọi điện về nhà xin phép bố mẹ đi. Saleem đành gọi về nhà, đúng lúc đó bác anh đến chơi và vui vẻ bảo mẹ anh đưa điện thoại nói chuyện với cháu trai. “Ồ học bổng Việt Nam cơ à. Tốt quá. Việt Nam là một đất nước anh hùng và tuyệt vời, có cơ hội sang đó tốt quá còn gì”. Và ngay lập tức, ông thuyết phục bố anh cho phép Saleem sang Việt Nam. Ở Palestine, lời nói của người anh cả luôn có trọng lượng và bố anh buộc phải nghe theo. Saleem cũng cho hay, người Palestine rất ngưỡng mộ Việt Nam trong các cuộc chiến chống ngoại xâm, nên việc Saleem được học bổng tại Việt Nam là một vinh dự lớn. Cuối năm 2011, anh sang Việt Nam học tập. Đó cũng là quãng thời gian khó khăn nhất khi chàng thanh niên Palestine chưa thể thích nghi được với cuộc sống mới, đồ ăn và khí hậu khác biệt, ngôn ngữ không thông thạo và văn hóa ứng xử lạ lẫm. Chưa kể vì không có tiền mua vé về thăm nhà như các bạn, 3 năm đầu, Saleem phải chấp nhận nỗi nhớ nhà đau đáu nơi xứ người. Tuy nhiên sau khi đã nỗ lực để học được tiếng Việt, Saleem thấy mình như “ếch đã ra khỏi giếng”. Anh nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng người Việt và thực sự vui thích khi được rất nhiều chương trình quảng cáo mời cộng tác dù “hồi ấy em ăn mặc 'nhà quê' lắm”.

3. Sau khi tốt nghiệp, Saleem trở về nước để làm việc cho văn phòng quan hệ quốc tế của chính trường đại học mà anh đã từng theo học gần 1 năm. Nhưng chỉ sau 9 tháng, nỗi nhớ Hà Nội day dứt đã thôi thúc Saleem mua vé máy bay sang Việt Nam vào một ngày mùa xuân năm 2017. Trong bài dự thi “Hà Nội trong tôi”, Saleem đã vượt qua rất nhiều thí sinh đến từ Pháp, Đức, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Phillipines, Indonesia, Lào, Đài Loan (Trung Quốc)... để giành giải Nhất bằng những ngôn từ tiếng Việt đầy da diết.

Saleem hơi buồn vì năm 2020 đáng nhẽ phải là quãng thời gian để anh dành cho những hoạt động cộng đồng tích cực với vai trò đại sứ hữu nghị vì hòa bình nhưng do dịch bệnh COVID-19 nên nhiều dự định tạm thời gác lại. Tuy nhiên, Saleem vẫn đều đặn post các bài thuyết trình lên kênh You Tube riêng của mình để thực hiện nỗ lực góp phần gắn kết tình hữu nghị giữa Việt Nam, Palestine và các quốc gia trên thế giới.

Saleem nói rằng, anh cảm thấy phần thi ứng xử của cuộc thi quả là một thử thách lớn dù điểm mạnh nhất của anh là kỹ năng thuyết trình. Và anh đặc biệt yêu thích phần thi trang phục truyền thống vì rất mê chiếc áo dài Việt Nam, khi nó có nhiều nét tương đồng với áo dài và khăn truyền thống của quê hương Palestine.

NHÀ VĂN DI LI

Ý kiến bạn đọc 0