Hà Nội: Mô hình trồng rau an toàn ở xã Yên Mỹ, Thanh Trì đạt tiêu chuẩn Vietgap

0 32435 4032

Liên kết rau an toàn

Xã Yên Mỹ đã có 91ha rau màu và 19ha cây ăn quả, xã cũng đang phấn đấu hoàn thành khoảng 30ha sản xuất rau đạt tiêu chuẩn Vietgap. Trên thị trường rau Yên Mỹ dần dần có thương hiệu được người tiêu dùng thủ đô tin tưởng sử dụng.

Bà Dung – thôn 3, xã Yên Mỹ cho biết trước đây người dân Yên Mỹ trồng rau nhưng còn manh mún, theo hộ gia đình, ai trồng gì thì trồng và mang lên nội thành tự bán. Từ mấy năm nay, nhờ có chính sách của địa phương, các hộ dân tiếp cận với các công nghệ canh tác thế hệ mới, công nghệ hiện đại đạt chuẩn và đặc biệt là tiêu chuẩn Vietgap.

Nhờ đó, gia đình bà Dung cho thu nhập từ 200 -300 triệu đồng/năm. Các loại rau ăn lá, rau củ quả đều trồng đảm bảo tiêu chuẩn an toàn.

Hiện tại, các hộ trồng rau đều thực hiện chuyển đổi sang các loại rau củ có giá trị kinh tế cao như súp lơ, bắp cải, cà chua, su hào và những loại rau ăn lá. Rau không sử dụng thuốc hoá học, phân hoá học chủ yếu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phân hữu cơ trong chăm sóc rau củ quả.

Hà Nội: Mô hình trồng rau an toàn ở xã Yên Mỹ, Thanh Trì

Bà Dung cho biết không còn cảnh người dân chở rau ùn ùn vào nội thành bán như trước mà hiện nay nhiều hộ đã thông qua liên kết với HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát và Công ty Davicorp  để tiêu thụ các loại rau, củ quả.

Rau củ quả của xã Yên Mỹ đã có mặt trên kệ ở nhiều siêu thị, nhà hàng, bếp ăn trường học, các cửa hàng nông sản sạch.

Hướng đi mới rau thuỷ canh

Hiện nay, xã Yên Mỹ cũng là xã đầu tiên ở huyện Thanh Trì, Hà Nội xây dựng mô hình trồng rau thủy canh ứng dụng công nghệ cao. Cả xã Yên Mỹ có khoảng 2.600m 2 cây trồng thuỷ canh.

Các loại rau thủy canh trồng trong hệ thống nhà màng nilon nên không chịu tác động của mưa, nắng; hạn chế được sâu, bệnh; trong quá trình sản xuất dinh dưỡng cung cấp cho cây được kiểm soát nên có thể đảm bảo liên tục có rau thu hoạch, bình quân 1 năm sản xuất được 10 – 11 lứa rau. Các sản phẩm thủy canh đã được lấy mẫu đi kiểm tra đều đảm bảo các tiêu chí về an toàn thực phẩm.

Đáng chú ý là mô hình trồng rau thuỷ canh của ông Nguyễn Mạnh Hồng (xã Yên Mỹ) với 104 giá, 728 màng, 21.840 hốc trồng rau, năng suất đạt 2,1 tấn/lứa và khu thủy canh nhỏ giọt gồm 2.000 bịch giá thể, trồng các loại rau, cà chua, dưa chuột, năng suất bình quân đạt 4 tấn trên vụ. Đây được coi là mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả, mở ra hướng phát triển cho nông nghiệp trên địa bàn huyện Thanh Trì.

Hiện nay, sản phẩm rau của hợp tác xã của ông Hồng đã cung cấp cho các bếp ăn tập thể, trường học trên địa bàn huyện, mỗi năm cho thu nhập từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Ông Nguyễn Mạnh Hồng cho hay, thời gian tới, cùng với các loại rau hiện tại, hợp tác xã sẽ trồng thêm các loại rau mầm, mở rộng thị trường đến bếp ăn của các trường học trên địa bàn thành phố.

Ông Đặng Đức Quỳnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho biết việc chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nông dân được huyện ưu tiên tuyên truyền. Các thông tin đầy đủ thông tin và kỹ thuật liên quan đến đối tượng sản xuất từ gieo trồng đến tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, ông Quỳnh cũng cho biết huyện vẫn thực hiện đồng bộ các giải pháp về kỹ thuật, chú trọng áp dụng cơ giới hóa, trồng xen, tưới tiết kiệm, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả.

Huyện Thanh Trì vẫn đang thực hiện đề án “Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của vùng sản xuất rau an toàn tập trung giai đoạn 2016-2020 tiếp tục được triển khai có hiệu quả, qua đó, đã duy trì sản xuất ổn định 140,5ha rau an toàn và 50ha rau theo tiêu chuẩn VietGAP.

Đồng thời, thực hiện một số mô hình tiên tiến và bước đầu có kết quả như: Mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ rau hữu cơ (1,4ha) tại xã Duyên Hà, mô hình trồng rau thủy canh 2.600m2 tại xã Yên Mỹ; tiếp tục thực hiện mô hình sản xuất nhóm hộ có liên kết tiêu thụ sản phẩm RAT theo chuỗi với sản lượng tiêu thụ ước đạt 1,5 tấn rau/ngày. Ngành chăn nuôi của huyện phát triển tương đối ổn định.

Theo P.T - Infonet

Ý kiến bạn đọc 0