Hàng thủ U22 Việt Nam mất đi sự ổn định vì nhân sự thường xuyên thay đổi?

0 4993 492

Bàn thua đầu tiên của U22 Việt Nam tại SEA Games 30 đến trong trận gặp Lào, từ pha bóng mà các trung vệ mất tập trung, kèm người không tốt, để cầu thủ đội Lào đánh đầu ở cự ly gần vào lưới.

Bàn thua thứ 2 xuất hiện trong trận đấu với Indonesia, đến từ sai lầm bắt bóng hỏng của thủ môn Bùi Tiến Dũng.

Đấy đều là những tình huống mà các cầu thủ hoàn toàn có thể tránh, trong trường hợp họ thi đấu tập trung hơn, nhiều kinh nghiệm hơn.

Hàng thủ U22 Việt Nam mất đi sự ổn định vì nhân sự thường xuyên thay đổi? - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

U22 Việt Nam đã thủng lưới 2 bàn sau 3 trận (ảnh: An An)

Khác với chiến dịch vòng loại World Cup, nơi đội tuyển Việt Nam luôn giữ sự ổn định ở hàng thủ, tại SEA Games đang diễn ra, đội U22 của HLV Park Hang Seo liên tục phải xáo trộn nhân sự ở hàng phòng ngự. 

Nguyên nhân xuất phát từ việc chúng ta phải đá quá nhiều trận trong ít ngày, với mật độ dày đặc, khiến cho việc luân phiên nhân sự, kể cả nhân sự ở hàng hậu vệ trở thành việc làm bắt buộc. 

Rồi cũng chính từ điều này khiến cho hàng phòng ngự mất đi sự ổn định. Các vị trí ở hàng thủ thường xuyên phải ráp nối với người mới, khiến cho họ mất đi sự ăn ý trong khâu phối hợp phòng ngự. Bàn thua trước Lào là một ví dụ điển hình, khi các trung vệ thiếu sự bọc lót ở khâu phòng ngự bóng bổng. 

Cũng khác với hàng hậu vệ của đội tuyển quốc gia ở vòng loại World Cup, và trước nữa là AFF Cup 2018 hoặc VCK U23 châu Á năm 2018, hàng hậu vệ của U22 Việt Nam tại SEA Games thiếu hẳn một cầu thủ đóng vai thủ lĩnh, giống trung vệ Quế Ngọc Hải ở đội tuyển Việt Nam hiện nay, hoặc Trần Đình Trọng trước đó.

Hàng thủ U22 Việt Nam mất đi sự ổn định vì nhân sự thường xuyên thay đổi? - 2
 

Nhấn để phóng to ảnh

Nhân sự ở hàng phòng ngự chưa có sự ổn định kể từ đầu giải (ảnh: An An)

Đây là thiệt thòi mà U22 Việt Nam phải đối diện sau chấn thương của Đình Trọng. Thiếu dạng cầu thủ đóng vai trò thủ lĩnh như thế này, các vị trí ở hàng phòng ngự mất đi một trung vệ vừa giỏi, vừa có khả năng bao quát, có thể nhắc nhở các cầu thủ khác khi họ đứng sai vị trí.

Lẽ ra, thủ thành Bùi Tiến Dũng với thâm niên khoác áo các đội tuyển quốc gia thuộc vào loại lâu nhất trong số các tuyển thủ U22 hiện nay, có thể đóng vai trò thủ lĩnh ở hàng phòng ngự. Lợi thế của Tiến Dũng là chơi ở vị trí thủ môn vốn có điều kiện để quan sát bao quát toàn bộ hệ thống phòng ngự bên trên mình, nên dễ nhắc các đồng đội. 

Tuy nhiên, hiện tại Tiến Dũng lại là mắc xích yếu nhất ở khâu phòng ngự của đội bóng trong tay HLV Park Hang Seo, nên thay vì trở thành chỗ dựa cho hàng hậu vệ ở phía trên, thủ môn đang khoác áo CLB Hà Nội hiện tại lại là nỗi lo cho các vị trí xung quanh anh: Lo rằng Bùi Tiến Dũng có thể… bắt hụt bóng bất cứ lúc nào, khiến cho các hậu vệ thêm mất tập trung ở những tình huống căng thẳng. 

Cũng không thể không để ý đến chi tiết cả 2 bàn thua của U22 Việt Nam cho đến thời điểm này của SEA Games 30 đều xuất phát từ các tình huống bóng bổng, cho dù hàng thủ của đội sở hữu rất nhiều trung vệ cao lớn. Điều này có thể được các đối thủ của chúng ta nghiên cứu và khai thác ở các trận tiếp theo.

Họ có thể nhận ra chúng ta có một thủ môn không giỏi trong các tình huống khống chế các quả tạt bổng, nhất là những quả tạt từ sát đường biên ngang tạt ngược lên, cộng với các trung vệ chưa chọn vị trí hợp lý khi tham gia phòng ngự bóng tầm cao, rồi đánh vào đúng điểm yếu đấy của U22 Việt Nam. 

Vẫn còn thời gian cho đội bóng của HLV Park Hang Seo sửa chữa những khiếm khuyết của mình, nếu như không muốn lặp lại những bàn thua tương tự. Về lý thuyết, càng ở những trận đấu sắp tới, các bàn thua sẽ càng tạo ra nhiều áp lực cho chúng ta, đồng thời đặt trường hợp nếu thua bàn trong các trận đấu càng về sau của giải, cơ hội sửa sai của U22 Việt Nam càng ít dần!

theo dantri.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0