Lễ Boxing Day 26/12 được nhớ đến bởi một thảm hoạ mang tên Sóng thần Ấn Độ Dương

0 9467 879

Con số người chết và mất tích vào khoảng 220.000 người. Quá khủng khiếp! Không có bất cứ một tài liệu văn bản lịch sử nào (với hiểu biết của người viết) ghi nhận có một sự kiện như thế từng xảy ra đới với các quốc gia ở Ấn Độ Dương. Do đó, cụm từ "chưa từng có tiền lệ" đã được dùng cho thảm hoạ này. Nhưng những phát hiện về dấu vết trầm tích được cho là cổ sóng thần tai đảo Phra Thong (Thái Lan) và Aceh (Indonesia) đã cho thấy trong lịch sử, khu vực này đã từng có những sự kiện sóng thần tương tự. Điều đó có nghĩa, tương lai cũng có thể sẽ lại tái diễn thảm hoạ như vậy.

Dòng đời xô đẩy thế nào mà mình lại có dịp đặt chân lên hòn đảo Phra Thong - biển Andaman cách Phuket khoảng 2h xe chạy và 1h ghe chạy. Nhưng không phải đến chơi mà là làm nghiên cứu về trầm tích sóng thần - điều mà cũng chưa từng bao giờ nghĩ tới trước khi đi học. Hòn đảo còn khá đơn sơ (thời điểm 2012), phù hợp với ai thích khám phá thiên nhiên. Bãi biển dài và đẹp (ảnh dưới). Đứng trên bờ biển nhìn ngắm mặt trời lặn khá là sang chảnh. Vậy mà 15 năm trước độ cao sóng thần ở đây là gần 20m. Ở đó, mình đã gặp Mr. Chuoi - ông chủ khu mình nghỉ và cũng là nhân chứng sống sót qua thảm hoạ sóng thần. Ngừoi đàn ông với bộ ria mép và chả bao giờ thấy mặc áo ấy đã “linh cảm” thấy điều gì đó bất thường sẽ đến để rồi chủ động leo lên cây và chỉ có may mắn mới giữ được mạng sống cho ông. Tiếp xúc với ông, ông luôn cười, vui vẻ, hóm hỉnh. Có lẽ 15 năm đã đủ để phần nào lấp đi những ký ức đau buồn, cũng như cỏ dại đã mọc rất nhanh trên những dấu vết trầm tích của những cơn sóng thần trong quá khứ.

tác giả và ông Chuoi

Nhưng chúng ta không được phép quên. Vì như đã nói, tương lai hoàn toàn có thể lặp lại tương tự. Những nghiên cứu, hệ thống cảnh báo đã được lắp đặt và đầu tư. Nhưng không hệ thống cảnh báo nào tốt bằng nhận thức của chúng ta về những thảm hoạ tự nhiên như vậy. Việt Nam được đánh giá là ít có nguy cơ xuất hiện sóng thần ngoại trừ nguy cơ từ đứt gãy Manila - Phillipines theo nhiều kịch bản đã công bố. Nhưng, cũng như 15 năm trước, chẳng ai biết trước được những gì sẽ xảy ra cả. Hiểu rõ nguyên nhân, hậu quả và chủ động chuẩn bị, phòng tránh sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại và điều đó quan trọng không kém những hệ thống cảnh báo hiện đại (mà chưa chắc đã hoạt động như vụ sóng thần mới đây ở Indonesia).

Suốt 2 năm qua, mỗi khi có dịp, mình đều phổ biến kiến thức về sóng thần (dựa trên những gì mình biết) cho đủ độ tuổi, từ cháu lớp 4 cho đến các bạn sinh viên đại học. Đối với sinh viên HMO, mình dành hẳn một thời lượng không nhỏ trong môn Hải dương học đại cương và Vật lý biển để trang bị thêm cho các bạn kiến thức về sóng thần. Hy vọng điều đó sẽ góp phần, dù rất nhỏ bé, nâng cao nhận thức của cộng đồng về những sự kiện có tính thảm hoạ có thể xảy ra đối với các quốc gia ven biển. Vì một bờ biển an toàn hơn!

ST ( Ts Phạm Tiến Đạt – Giảng viên Trường ĐH KHTN- ĐHQGHN)

Commenti 0