Make in VietNam, sáng tạo vươn tầm quốc tế, đừng sợ 'húc đầu vào đá'

0 71 0

Sáng tạo ngay trên quê hương

Công nghệ nhà thông minh (SmartHome) là lĩnh vực tưởng như các DN Việt Nam khó bắt kịp so với Mỹ, Pháp, Nhật Bản hay Israel,... Tuy nhiên, đã có sản phẩm Việt Nam chứng tỏ được đẳng cấp của mình. Bkav là công ty tiên phong giới thiệu công nghệ nhà thông minh vào năm 2013. Nhà sản xuất này đã mất 10 năm để theo đuổi và hoàn thiện công nghệ, gồm cả thiết bị phần cứng lẫn phần mềm điều khiển thông minh.

Năm 2013, Bkav mang sản phẩm SmartHome đi tham dự Hội chợ quốc tế tại Frankfurk (CHLB Đức), đứng cạnh các “ông lớn” tên tuổi như: Schneider (Pháp), Smartg4 (Mỹ), Samsung (Hàn Quốc), Siemens (Đức),... Khi đó, có một vị khách đặc biệt là triệu phú người Singapore đến hội chợ tìm sản phẩm SmartHome để lắp cho ngôi nhà đang xây dựng của mình, trị giá 8 triệu USD. Ghé qua gian hàng của Bkav, ông được giới thiệu về sản phẩm SmartHome.

Make in VietNam, sáng tạo vươn tầm quốc tế, đừng sợ
Xuất phát từ thực tế, không áp đặt cái mình có mà SmartHome phiên bản Việt đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng

Khá ngạc nhiên và thích thú với sản phẩm này, về nước, ông cùng vợ lập tức bay sang Việt Nam, gặp lãnh đạo Bkav để tìm hiểu kỹ về sản phẩm. Sau đó, ông tham quan một số căn biệt thự tại Phú Mỹ Hưng (TP.HCM) đã lắp sản phẩm này và cuối cùng quyết định ký hợp đồng.

Theo tính toán, chi phí cho SmartHome chiếm khoảng 10-15% tổng chi phí ngôi nhà. Với biệt thự của tỷ phú người Singapore giá trị 8 triệu USD thì giá trị hợp đồng không hề nhỏ. Tuy nhiên, điều quan trọng là sản phẩm SmatHome của Bkav đã vượt qua hàng loạt tên tuổi lớn, lọt vào “mắt xanh” của vị tỷ phú khó tính người Sing.

Nói về vấn đề này, ông Vũ Thanh Thắng, Phó Tổng giám đốc Bkav, cho biết, hơn 20 năm trước đã có các công ty của Mỹ, Đức, Nhật,... sản xuất thiết bị tự động hóa dành cho các ngôi nhà. Tuy nhiên, những công ty này không tập trung nhiều cho phát triển phần mềm, dẫn đến các giải pháp rất nhàm chán, không giống như cách con người mong muốn, đó chỉ là nhà tự động.

Make in VietNam, sáng tạo vươn tầm quốc tế, đừng sợ
Robot Tosy 

Trong lĩnh vực công nghệ, hơn 3 năm về trước, một sản phẩm của Việt Nam đã được giới trẻ thế giới biết đến, đó là Robot Tosy. Robot Tosy được nhiều gia đình tại Mỹ, châu Âu chọn làm quà cho trẻ em trong các dịp giáng sinh và rất được yêu thích. Các sản phẩm của TOSY đều được nghiên cứu phát triển và sản xuất bởi chính các kỹ sư người Việt và được đánh giá cao bởi tính năng độc đáo, chất lượng tốt. Các sản phẩm đã được xuất khẩu đi hơn 60 quốc gia trên thế giới.

Hiện tại TOSY có robot là những tay máy đa năng, làm nhiều công việc thay thế công nhân trong các nhà máy sản xuất như hàn, sơn, lắp ráp, đóng gói, di chuyển vật liệu, xếp dỡ pallet... robot tốc độ cao, gắp các sản phẩm trên băng chuyền chuyển động nhanh... nhận được nhiều đơn đặt hàng trên thế giới.

Ngay cả nông dân Việt Nam, cũng chế tạo ra những cỗ máy phục vụ nông nghiệp để đời, khiến nhiều người thán phục. Gần đây, mọi người hay nhắc đến anh nông dân Phạm Văn Hát ở Tứ Kỳ, Hải Dương, chưa qua bất kỳ trường lớp đào tạo nào nhưng đã sáng chế ra nhiều sản phẩm máy nông nghiệp xuất khẩu tới hơn 10 quốc gia.

 

Năm 2010 khi làm việc tại Israel, anh Hát nhận thấy, dù có sự hỗ trợ của máy móc, nhưng nhiều công đoạn trồng rau xanh vẫn thủ công, năng suất không cao và con người vẫn phải lao động tới 10 tiếng/ngày. Với kiến thức về cơ khí, anh Hát đã chế tạo ra chiếc máy rải phân trên gốc cây, thay thế cho 15-20 lao động. Bất ngờ lớn là bản quyền chế tạo chiếc máy đã được nhiều trang trại khác mua lại để đưa vào sản xuất. Sau đó, anh đã cải tiến và chế tạo được gần chục loại máy nông nghiệp.

Trở về quê nhà, chiếc máy đầu tiên anh Hát chế tạo thành công là  robot đặt hạt. Robot có hiệu suất công việc bằng 30-40 lao động và có thể gieo hạt trên mọi loại địa hình. Robot gieo hạt sử dụng bình ắc quy, không cần người vận hành  nên tiết kiệm thời gian lại tránh lãng phí hạt giống. Sản phẩm được xuất đi 14 nước như: Nga, Mỹ, Đức, Israel, Lào, Thái Lan,... và phân phối khắp 63 tỉnh thành cả nước. “Nhà sáng chế hai lúa” này từng được một tập đoàn máy nông nghiệp của Mỹ mời sang làm việc với mức lương cao, nhưng anh đã từ chối.

Make in VietNam, sáng tạo vươn tầm quốc tế, đừng sợ
Máy gieo hạt của anh nông dân Phạm Văn Hát 

Đừng sợ “húc đầu vào đá”

Theo ông Vũ Thanh Thắng, nếu chỉ quen với công việc vặn ốc vít, thì chúng ta cũng mãi nằm ở đáy của chuỗi giá trị toàn cầu và lợi ích mang lại không cao. Chỉ có đầu tư cho sáng tạo, thiết kế và sản xuất các sản phẩm chất lượng cao mới là con đường để trở thành phú cường.

Yếu tố thuận lợi nhất để Việt Nam có thể đứng đầu chuỗi giá trị toàn cầu chính là trí tuệ con người. Điều quan trọng là phải dám làm và phải vượt qua tâm lý tự ti về một nước lạc hậu mọi thứ yếu kém.

Ông Thắng cho rằng, hàng hóa Việt Nam nếu có chất lượng ngang với Mỹ hay Nhật đi nữa, thì với xuất xứ "made in Vietnam" cũng đã gặp bất lợi về cạnh tranh. Các DN Việt Nam phải hiểu điều này, để làm ra sản phẩm chất lượng cao, mới thuyết phục được khách hàng.

Đại diện TOSY từng kể, thời kỳ đầu khi bắt tay vào khởi nghiệp, không ít người đã phản đối, nghi ngại về khả năng thành công của dự án. Nhưng cuối cùng thì Robot Topio đã ra đời và ngay lập tức dành được nhiều giải thưởng quốc tế. Rõ ràng, người Việt hoàn toàn có thể chế tạo được robot. Điều quan trọng là phải dám làm, đừng sợ “húc đầu vào đá”.

Tuy nhiên, để đứng đầu chuỗi giá trị toàn cầu có rất nhiều việc phải làm chứ không đơn giản chỉ là mơ mộng. DN phải phấn đấu đạt được các tiêu chuẩn quốc tế về công nghệ, thiết kế, kỹ thuật, quy trình sản xuất và đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao... Từ đó, mới có thể hiện thực hóa giấc mơ về những sản phẩm đẳng cấp quốc tế làm nên tên tuổi Việt Nam.

Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chúng ta có niềm tin lớn lao vào giới trẻ, với đầy đam mê sáng tạo và khát vọng, sẽ biến giấc mơ đẳng cấp quốc tế của Việt Nam trở thành hiện thực. Thời kỳ các công ty Việt sáng tạo ra những sản phẩm nổi tiếng toàn cầu, ngay tại mảnh đất quê hương không còn quá xa.

Trần Thủy 

Ý kiến bạn đọc 0