Mỹ rối ren, Bắc Kinh lo lắng, toàn cầu trong 1 ngày chao đảo

0 125 0

Tới cuối phiên giao dịch 13/8, giá vàng tăng vọt lên ngưỡng cao nhất trong hơn 6 năm qua, trong khi đó chứng khoán châu Á tụt giảm. Chứng khoán Mỹ tụt giảm hàng trăm điểm trong khi chứng khoán Argentina có lúc giảm 35%.

Kết thúc phiên giao dịch 13/8, chỉ số Hang Seng của thị trường chứng khoán Hong Kong giảm hơn 540 điểm (tương đương giảm 2,1%). Chỉ số Nikkei 225 giảm 1,1%; SETI của Thái Lan giảm 1,3%, KTSE LKCI của Malaysia giảm 1,1%.

Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite và Shenzhen Composite lần lượt giảm 0,6% và 0,7%. Trong khi đó, chỉ số chứng khoán Kospi của Hàn Quốc giảm 0,8%.

Chỉ số đo lường chứng khoán khu vực châu Á - Thái Bình Dương - MSCI ghi nhận mức giảm hiếm có: giảm 1,2% trong một phiên giao dịch. Chứng khoán Việt Nam giảm gần 8,5% xuống 966,83 điểm.

Trong phiên đầu tuần, chứng khoán Mỹ đã đồng loạt giảm điểm. Chỉ số Dow Jones bốc hơi gần 400 điểm trong bối cảnh thị trường trái phiếu phát đi những biến hiệu đáng sợ, lợi suất trái phiếu dài hạn giảm xuống gần mức trái phiếu ngắn hạn, phản ánh mối lo ngại về tình trạng của nền kinh tế.

Chứng khoán Argentina bị bán tháo nặng nề trong đầu tuần, có lúc giảm 35%. Đồng Peso giảm gần 25% từ mức 45 peso đổi 1 USD xuống còn 59 peso đổi 1 USD sau chỉ một phiên sau khi Tổng thống Mauricio Marci của nước này bất ngờ hứng thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử sơ bộ.

Mỹ rối ren, Bắc Kinh lo lắng, toàn cầu trong 1 ngày chao đảo
Tài chính thế giới chao đảo.

Tới cuối giờ chiều phiên giao dịch 13/8, giá vàng thế giới tăng vọt lên mức 1.535 USD/ounce - mức cao nhất trong hơn 6 năm qua. 

Thị trường tài chính thế giới biến động mạnh trong bối cảnh những bất ổn chính trị đang diễn ra khó lường ở Hồng Kông, thị trường tài chính Argentina lao dốc có thể tác động tới thế giới, quan hệ Nhật - Hàn thêm căng thẳng, trong khi cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ ngày càng bất định.

Trong 2 phiên đầu tuần, các cuộc biểu tình tại Hong Kong đã khiến sân bay đặc khu kinh tế này hủy tất cả các chuyến bay. Bắc Kinh cho rằng các cuộc biểu tình đang diễn ra tại một thời điểm nghiêm trọng, và bạo lực cần phải chấm dứt.

 

Ngày 12/8, chính quyền Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo cho rằng Hong Kong đang trong “thời điểm nguy kịch” và và cam kết siết chặt tội phạm bạo lực bằng "nắm đấm sắt" sau khi hàng ngàn người biểu tình chiếm giữ sân bay Hong Kong khiến mọi chuyến bay phải hủy bỏ.

Sang ngày 13/8, một lượng xe bọc thép di chuyển và tập hợp tại Thâm Quyến, thành phố ở Trung Quốc ngay sát với đặc khu Hong Kong. Trước đó, 12 ngàn cảnh sát Trung Quốc đã được điều động tham gia vào cuộc diễn tập chống lại những người biểu tình mặc áo đen ở Thâm Quyến.

Thị trường tài chính bất ổn còn do cuộc chiến Mỹ - Trung ngày càng khó lường sau khi Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) giảm tỷ giá Nhân dân tệ (NDT) phiên thứ 9 liên tiếp và phiên thứ 4 liên tiếp xuống sâu dưới ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD.

Sáng 13/8, PBoC tiếp tục điều chỉnh tỷ giá tham chiếu xuống ngưỡng 7,0326 Nhân dân tệ (NDT) đổi 1 USD. Đây là mức thấp nhất trong vòng 11 năm qua. Trước đó, chính quyền ông Donald Trump đã chính thức coi Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ.

Tâm lý của giới đầu tư trở nên rối loạn hơn sau khi thị trường tài chính Argentina lao dốc trong phiên 12/8 vì theo kết quả sơ bộ, Tổng thống Mauricio Macri bị thua trong vòng bầu cử đầu tiên với số phiếu chênh lệch lớn hơn rất nhiều so với dự báo.

Hàng loạt yếu tố bất ổn đã khiến các loại tài sản có độ rủi ro cao như chứng khoán đồng loạt tụt giảm, trong khi đó các loại tài sản an toàn như vàng, đồng yen Nhật, Franc Thụy Sỹ và trái phiếu một số nước trong đó có Mỹ... tăng mạnh. Đây được xem là các kênh trú bão an toàn.

Tình trạng bất ổn trên thị trường thế giới tiếp tục kéo dài và chưa có dấu hiệu kết thúc. Nhiều nước gần đây đã chuyển sang chính sách tiền tệ nới lỏng để ngặn chặn kinh tế sụt giảm. Nhiều dự báo đã hạ tăng trưởng kinh tế thế giới cũng như tại các nước. Chính phủ Singapore hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2019 xuống gần mức 0% do nền kinh tế này phụ thuộc nhiều vào thương mại trong khu vực.

Một số dự báo cho rằng, tác động từ các cuộc biểu tình ở Hồng Kông tới các thị trường tài chính còn mạnh hơn cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Chính phủ Trung Quốc đang đối mặt với một tình huống khó khăn.

M. Hà

Reacties 0