Người đốt rác gây cháy rừng ở Hà Tĩnh có thể bị 7-12 năm tù

0 76 0

Công an huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam Phan Đình Thành (SN 1973, trú tại thôn 7, xã Xuân Hồng) về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy" theo điều 313 bộ luật Hình sự.  

Thành được xác định là nghi phạm gây vụ cháy rừng tại thị trấn Xuân An và xã Xuân Hồng, làm thiệt hại gần 50ha rừng.

Người đốt rác gây cháy rừng ở Hà Tĩnh có thể bị 7-12 năm tù
Đối tượng Thành tại cơ quan điều tra

Tại CQĐT, đối tượng khai, trưa 28/6, anh ta ra vườn gom rác rồi bật lửa đốt. Do trời nóng, gió Tây Nam thổi mạnh nên lửa cháy lan khắp vườn. Thành dùng xô múc nước dập lửa nhưng không được nên gọi mọi người đến giúp. 

Lúc này, lửa cháy lan sang rừng thông phía sau nhà đối tượng rồi lan rộng ra khu vực rừng phòng hộ ở một số thôn khác của xã Xuân Hồng và rừng phòng hộ thuộc thị trấn Xuân An.

Trao đổi với VietNamNet, luật sư Nguyễn Thị Hường, Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng: Hành vi của Thành đã vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng khi đốt lửa, sử dụng lửa ở khu rừng dễ cháy, thảm thực vật khô vào mùa hanh khô.

Người đốt rác gây cháy rừng ở Hà Tĩnh có thể bị 7-12 năm tù
Luật sư Nguyễn Thị Hường

Với hậu quả gây cháy rừng phòng hộ thôn 7, xã Xuân Hồng rồi đám cháy lan rộng ra khu vực rừng phòng hộ thuộc một số thôn khác của xã Xuân Hồng và rừng phòng hộ thuộc thị trấn Xuân An, đối tượng đã có dấu hiệu phạm tội Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy, theo điều 313 bộ luật Hình sự.

 

Chưa có thông báo về người bị thiệt mạng do cháy, nhưng để có căn cứ xử lý đối tượng, các cơ quan tố tụng phải xác định thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Kết quả xác định thiệt hại sẽ là căn cứ để xử lý tương ứng đối tượng theo quy định tại điều 313 bộ luật Hình sự.

Theo luật sư Hường, nếu giá trị thiệt hại được xác định từ 1,5 tỷ đồng trở lên, đối tượng phải đối mặt với điểm c, khoản 3, điều 313 bộ luật Hình sự, có khung hình phạt từ 7- 12 năm tù.

Ngoài ra, đối tượng còn phải có trách nhiệm bồi thường các chi phí liên quan đến việc chữa cháy cho nguyên đơn dân sự là Cơ quan PCCC.

Điều 313. Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy: 

1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 2- 5 năm tù:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100 - 500 triệu đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt từ 5- 8 năm tù:

a) Làm chết 2 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt từ 7- 12 năm tù:

a) Làm chết 3 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10- 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1- 5 năm.

T.Nhung

Ý kiến bạn đọc 0