Nhìn lại sự kiện MVNOs Châu Á 2019: Việt Nam đã sẵn sàng cho nhà mạng viễn thông ảo?

0 67 0

MVNOs Châu Á - sự kiện chuyên sâu về Nhà mạng ảo (Mobile Virtual Network Operators) quy mô Châu Á Thái Bình Dương năm nay lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Đây là năm thứ 9 sự kiện MVNOs Châu Á được tổ chức. Chủ đề của sự kiện năm nay là “Enable MVNOs growth through IOT, Blockchain, Fintech & 5G”  (Thúc đẩy sự phát triển của Nhà mạng viễn thông ảo thông qua Internet vạn vật, Blockchain, Fintech và 5G).

Bức tranh của thị trường MVNOs tại các quốc gia đi trước

Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore là 4 quốc gia châu Á có nhiều đại diện tham gia sự kiện nhất. Bên cạnh đó, MVNOs Châu Á 2019 cũng có sự góp mặt của các đại diện từ Anh, Úc, Mỹ, Nga…

Ông Xu Lidong - Giám đốc Sở Nghiên cứu Công nghiệp Viễn thông, Học viện Công nghệ Thông tin & Truyền thông Trung Quốc và Phó Thư ký Ban Nhà mạng ảo của Hiệp hội Doanh nghiệp Truyền thông Trung Quốc chia sẻ về quá trình phát triển của MVNO tại Trung Quốc.

Với dân số lớn nhất thế giới, Trung Quốc là một thị trường đầy tiềm năng cho MVNOs. Theo thống kê đến hết năm 2018, tổng số thuê bao di động tại thị trường Trung Quốc là gần 1,6 tỷ thuê bao. MVNO đầu tiên của Trung Quốc ra mắt vào năm 2013. Tới 2019, sau 6 năm, Trung Quốc đã cấp 37 giấy phép chính thức và 5 giấy phép thử nghiệm cho MVNOs. Kết quả của nửa đầu năm 2019 cho thấy, 24 nhà mạng MVNOs đang kinh doanh có lợi nhuận.

Tại thị trường Nhật Bản, thị phần của các nhà mạng MVNOs đã tăng từ trên 2% vào năm 2010 lên gần 11% năm 2018 và vẫn đang có xu hướng đi lên. Cùng với Nhật Bản và Trung Quốc, các đại diện từ Nga, Úc… cũng chia sẻ xu hướng hiện tại là các nhà mạng truyền thống (MNOs) đã chủ động trong việc tìm kiếm và đàm phán với các đối tác MVNOs.

IoT, e-SIM, 5G là 3 từ khoá được nhắc tới nhiều nhất

Một loạt các nội dung về IoT, e-SIM, 5G, mobile money đã được trình bày và thảo luận tại sự kiện: Sự ra mắt của 5G và e-SIM sẽ thay đổi thị trường như thế nào? Các nhà mạng MNOs và MVNOs sẽ cùng nhau phát triển và bắt kịp thị trường IoT ra sao? Các yếu tố nào quyết định sự thành công của MVNOs trong bối cảnh IoT nở rộ?…

IoT, e-SIM, 5G là 3 từ khoá được nhắc tới nhiều nhất tại MVNOs Châu Á 2019.

Với sự phát triển của công nghệ và sự bão hoà của thị trường viễn thông truyền thống, phạm vi phát triển dịch vụ của các nhà mạng đã không còn dừng lại ở gói cước và các dịch vụ viễn thông kèm theo. Sân chơi hiện tại đã đặt ra các thách thức cũng như cơ hội mới để cạnh tranh. Để tận dụng tối đa sự phát triển của công nghệ vào cung cấp dịch vụ cho khách hàng, đòi hỏi các nhà mạng phải hết sức linh hoạt và có sự đầu tư bài bản ngay từ đầu.

Tuy nhiên tựu chung lại, các đại diện đều chia sẻ quan điểm: Sự phát triển của IoT, e-SIM, soft-SIM… đang mang đến cho các nhà mạng MVNOs nhiều cơ hội hơn để gia nhập thị trường và gia tăng giá trị cho người dùng.

Nhiều đối tác nước ngoài chia sẻ đang quan tâm tới thị trường MVNOs tại Việt Nam

Việt Nam được nhận định là một thị trường tiềm năng cho MVNOs bởi nền kinh tế năng động, dân số trẻ, nhu cầu về chất lượng dịch vụ tăng, xu thể chuyển dịch số mạnh mẽ, cơ sở hạ tầng viễn thông toàn diện. Tại sự kiện, nhiều đối tác nước ngoài chia sẻ đang quan tâm tới thị trường MVNOs tại Việt Nam, mong muốn tìm kiếm các đối tác để cùng hợp tác phát triển.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Danny Sritharan, một chuyên gia tư vấn về triển khai MVNO với 15 năm kinh nghiệm, cho rằng để có một hợp tác MNO-MVNO thành công, cần có sự chung tay của cả 3 bên: MNO, MVNO và đơn vị điều tiết chính sách. Là một thị trường đi sau, Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước để có những bước đi đúng đắn nhất.

Ông Danny Sritharan: Để có một hợp tác MNO-MVNOs thành công, cần có sự chung tay của cả 3 bên: MNOs, MVNOs và đơn vị điều tiết chính sách.

Tại Việt Nam, MVNO vẫn là một mô hình kinh doanh mới, và tính tới nay mới chỉ có 1 nhà mạng MVNO ra mắt thị trường. MVNOs có thể thay đổi thị trường viễn thông Việt Nam được hay không, thay đổi như thế nào, vẫn là câu hỏi quá sớm để trả lời. Tuy nhiên, có thể thấy rõ, nếu chỉ cạnh tranh về giá, các MVNOs sẽ không thể tìm được chỗ đứng trong một thị trường đã bão hoà với rất nhiều tay chơi lớn năng động như Việt Nam. Ngược lại, để cạnh tranh bằng trải nghiệm khách hàng và các dịch vụ gia tăng khác, đòi hỏi các MVNOs cần thực sự thấu hiểu khách hàng và đầu tư nghiêm túc vào công nghệ, cải tiến, liên tục học hỏi từ các thị trường đi trước. Tại thời điểm này, với quan sát từ các quốc gia đã phát triển MVNOs, chúng ta vẫn có thể hy vọng sự gia nhập của nhà mạng kiểu mới MVNOs sẽ mang tới cho khách hàng nhiều sự lựa chọn hơn, chất lượng dịch vụ tốt hơn.

Tại sự kiện MVNOs Châu Á năm nay, một cái tên mới trong lĩnh vực viễn thông tại Việt Nam đã tham gia chia sẻ về thị trường viễn thông di động Việt Nam và cơ hội cho MVNOs. Rất có thể, đây sẽ là đơn vị tiếp theo tham gia vào thị trường đang nóng lên này.

Ý kiến bạn đọc 0

Đọc thêm