Nổi nhất 2019, bán tháo 1 USD, đại gia ngoại bỏ chạy, tỷ phú Việt chơi lớn

0 4818 478

Thương vụ khủng

Cú sát nhập lớn nhất năm 2019 giữa 2 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam vừa bất ngờ diễn ra. Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Masan đã thoả thuận nguyên tắc về việc hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce và Công ty VinEco. Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của Công ty mới sau sáp nhập. Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.

Công ty mới sẽ sở hữu mạng lưới hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart & VinMart + tại 50 tỉnh thành, hệ thống 14 nông trường công nghệ cao và lĩnh vực sản xuất tiêu dùng từ Masan. Sau khi tiếp quản, Masan Consumer Holding sẽ vẫn giữ nguyên hệ thống quản trị hiện tại của VinCommerce cũng như các chính sách đối với nhà cung cấp.

Nổi nhất 2019, bán tháo 1 USD, đại gia ngoại bỏ chạy, tỷ phú Việt chơi lớn
Thương vụ tỷ đô

Thương vụ này diễn ra trong bối cảnh ngành bán lẻ có sự bành trướng của nhiều doanh nghiệp ngoại như Big C về tai người Thái là hàng Thái, Lotte hay Aeon của Nhật. Thoả thuận nhằm tối ưu hóa thế mạnh hoạt động của mỗi bên, đồng thời tạo nên một tập đoàn Hàng tiêu dùng - bán lẻ mới có sức cạnh tranh vượt trội và quy mô hàng đầu Việt Nam.

Trước đó, VinMart của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã sáp nhập và chuyển đổi thành công một loạt thương hiệu bán lẻ như Vitexmart, Maximark, Fivimart, Zahhamart, Shop&Go, Queenland,...

Bán chuỗi cửa hàng tiện lợi giá 1 USD

Sự việc hy hữu trong ngành bán lẻ khi chính Công ty cổ phần Cửa hiệu và Sức sống - chủ sở hữu chuỗi cửa hàng Shop&Go - đề nghị được nhượng lại 100% cổ phần với giá 1 USD cho Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce, đơn vị quản lý hệ thống bán lẻ VinMart và VinMart+ (thuộc Tập đoàn Vingroup).

Nổi nhất 2019, bán tháo 1 USD, đại gia ngoại bỏ chạy, tỷ phú Việt chơi lớn
Bán giá 1 USD

Được thành lập từ năm 2005, công ty Cổ phần Cửa hiệu và Sức Sống hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ hàng tiêu dùng. Cửa hàng đầu tiên của Shop&Go đi vào hoạt động năm 2006 tại TP.HCM. Sau 14 năm thành lập, Shop&Go vận hành 87 cửa hàng, trong đó có 70 cửa hàng tại TP HCM và 17 cửa hàng tại Hà Nội nằm tập trung ở trong các quận nội thành. Shop&Go đi theo mô hình cửa hàng tiện lợi với đặc trưng hoạt động 24/24h mỗi ngày.

Tuy nhiên, trước sức ép cạnh tranh trên thị trường, tình hình kinh doanh của Shop&Go dần đi xuống. Năm 2016, hệ thống này đạt 267 tỷ đồng doanh thu và lỗ gần 40 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2016, Shop&Go lỗ lũy kế 205 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ chỉ có vỏn vẹn 1,27 tỷ đồng. Đến tháng 10/2018, vốn điều lệ của công ty này tăng mạnh lên 207,27 tỷ đồng nhưng tình hình vẫn không mấy khả quan với mức thua lỗ kịch điểm gần 7 tỷ đồng/tháng.

Đại gia ngoại tháo chạy

Giữa tháng 5/2019, Auchan bất ngờ quyết định bán 18 cửa hàng tại Việt Nam, rút khỏi thị trường. Tính đến nay, chuỗi bán lẻ này có 1.000 nhân viên tại Việt Nam. Từng lên kế hoạch đầu tư 500 triệu USD vào thị trường Việt Nam, nhưng kết quả kinh doanh của Auchan không nổi bật, chỉ đạt 45 triệu euro doanh thu năm 2018 và lâm vào cảnh thua lỗ.

 

Quyết định đóng cửa 15 siêu thị của Ban giám đốc Auchan Việt Nam được đánh giá là phù hợp trong bối cảnh phần lớn kinh doanh thua lỗ. Nếu duy trì hoạt động tới khi đàm phán xong việc bán lại, với thời gian có thể kéo dài vài tháng, thì Auchan sẽ phải gánh thêm nhiều chi phí và lún sâu trong thua lỗ.

Nổi nhất 2019, bán tháo 1 USD, đại gia ngoại bỏ chạy, tỷ phú Việt chơi lớn
Bán lẻ ngoại rời bỏ thị trường

Tập đoàn bán lẻ Auchan Retail (Pháp) vào Việt Nam năm 2015, có mặt tại Hà Nội, TP.HCM và Tây Ninh. Auchan là đại diện bán lẻ châu Âu cuối cùng rời khỏi thị trường bán lẻ Việt Nam.

Lần đầu tiên, một doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam tiếp nhận một thương hiệu bán lẻ tầm cỡ thế giới. Sau nhiều đồn đoán, Saigon Co.op đã đạt thỏa thuận chuyển giao tất cả hoạt động bán lẻ Auchan tại thị trường Việt Nam.

Món Huế khủng hoảng

Huy Việt Nam được giới đầu tư chú ý bởi những kế hoạch kinh doanh, gọi vốn khủng và người tiêu dùng ấn tượng về món ăn, nên cú ngã ngựa của chuỗi nhà hàng Món Huế cũng được nhiều người quan tâm.

Xuất hiện trên thị trường từ năm 2007, nhận 30 triệu USD từ các nhà đầu tư nước ngoài, Công ty Huy Việt Nam từng được xem là người đi đầu trong mô hình kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống (F&B).

Năm 2015, Huy Việt Nam cũng từng nộp hồ sơ xin niêm yết tại sàn chứng khoán Hồng Kông, dự kiến huy động được 100 triệu USD qua nhiều đợt. Nhưng kết cục, doanh nghiệp này đang phải đối mặt với khủng hoảng nợ nần.

Nổi nhất 2019, bán tháo 1 USD, đại gia ngoại bỏ chạy, tỷ phú Việt chơi lớn
Món Huế thất bại

Hàng loạt cửa hàng Món Huế tại TP.HCM và Hà Nội đã đóng cửa, trả mặt bằng trong thời gian gần đây. Trong khi đó, nhiều nhà cung cấp đã đến trụ sở của Công ty Huy Việt Nam - công ty mẹ của chuỗi nhà hàng này - tại TP.HCM tố cáo doanh nghiệp nợ tiền nhiều tháng không trả. Chiều tối ngày 22/10, website của Huy Việt Nam dừng hoạt động.

Theo thống kê sơ bộ từ 28 nhà cung cấp, hệ thống Món Huế đang nợ các doanh nghiệp này tổng số tiền lên tới vài chục tỷ đồng. Trong số này, có những đơn vị cung cấp đá lạnh bị nợ vài triệu đồng, đơn vị cung cấp chanh tươi với hơn 24 triệu đồng.

Duy Anh

Ý kiến bạn đọc 0