Thần tượng sáng ngời một phút trước bỗng thành “kẻ nói dối”, “vô duyên”, “bất chấp”, “xấu xí”... khiến người ta nghi ngờ tất cả những thông tin xuất hiện trên mạng xã hội.

Làm Kol khó rồi!

Ở đây, chúng ta đang nói về những KOL thực sự, nghĩa là những người có thể gây ảnh hưởng tới công chúng chứ không phải những trường hợp câu like gây cười bất chấp. Thông thường để trở thành một KOL, người ta phải bỏ 2-3 năm để trở nên nổi tiếng trong lĩnh vực của mình. Thế nhưng nghề nghiệp khắc nghiệt này, chỉ cần 1-2 lần bị bóc phốt, tức thì danh tiếng gây dựng khó khăn cũng theo gió mà bay.

Cộng đồng xê dịch khi tổng kết về những tan nát trong năm, đã không thể bỏ qua vụ việc của Hoàng Lê Giang, cựu sinh viên Đại học Ngoại thương TP.HCM, dù sau khi việc nói dối leo đỉnh Denali bị bóc phốt Giang đã xin lỗi thì danh tiếng của phượt thủ này vẫn là “cốc nước hắt đi”.

Để đi đến vị trí phượt thủ có tầm ảnh hưởng lớn với Giang không dễ dàng. Sự nổi tiếng được tích cóp từ hành trình đi qua 30 quốc gia; 8 lần khám phá dãy Himalaya, sống sót trong bão tuyết ở Nepal; nằm trong top 10 Iron Man 2016 và đoạt huy chương vàng cuộc thi Obstacle Run - Champion Dash, chưa kể chặng đường 300km trong một tháng đến Bắc Cực. 

Nổi tiếng trên mạng và sụp đổ  - ảnh 1
 
Hoàng Lê Giang mất danh hiệu KOL vì nói dối

Những nỗ lực của Giang hầu như bị quên mất khi anh khoe ảnh chinh phục Denali và chỉ mấy ngày sau bị cộng đồng leo núi phát hiện là giả, Giang mới chỉ tham gia khóa huấn luyện. 

“Có lẽ từ đây cái tên Hoàng Lê Giang sẽ biến mất khỏi bảng phong thần của dân du lịch. Cũng có thể nó sẽ sáng lại, nhưng ít ra phải sau vài ba năm nữa, cộng với rất, rất nhiều nỗ lực từ phía Giang”, nhà leo núi Trần Nguyên nhận xét.

Một pha “mất mặt đình đám” trong giới KOL năm qua thuộc về Hiếu Oriol khi anh này cùng với nhiều bạn bè khác “gần như khỏa thân” chạy lên Mã Pì Lèng chụp ảnh ngay trong tâm bão Mã Pì Lèng bị lấn chiếm xây dựng trái phép. Ngay sau đó, một làn sóng tẩy chay Hiếu Oriol được phát động đến nỗi nhân vật này phải tuyên bố đóng cửa facebook. Khác với Hoàng Lê Giang, Hiếu Oriol làm việc trong lĩnh vực truyền thông, và ca “ngã ngựa” của anh được giới chuyên môn phân tích là do “quá tự tin và tham vọng dắt mũi độc giả”.

“Một số chuyên gia khủng hoảng truyền thông trở thành KOL thường tự tin rằng họ có thể dắt mũi dư luận và định hướng thông tin theo cách mà mình muốn. Lịch sử truyền thông của Mỹ cũng đã chứng minh chuyện này không có công thức “bất bại”. Thậm chí nhiều ca bẻ lái thành công thì cũng phải kèm những yếu tố ăn may khác. Độc giả bây giờ đã khác, bên cạnh những người nhẹ dạ, cả tin, thì còn rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học, thậm chí nhân viên điều tra”. Chuyên viên nghiên cứu truyền thông và mạng xã hội Nguyễn Vũ Việt cho biết.

Vì sao phải bất chấp câu like

Một biên tập viên NXB Phụ Nữ kể rằng, khi chị đặt vấn đề làm sách về giới KOL và đề nghị các nghiên cứu viên về giới này đề cử, thì bị can ngăn như sau: “Tốt nhất đừng làm, bởi vì hôm nay KOL mai đã có thể là “con chiên ghẻ bị tẩy chay”. Áp lực của nghề này quá lớn, rất ít người có thể giữ vững tâm tính để không sa vào “làm quá” và nói dối”.

KOL được coi là một nghề nghiệp hái ra tiền xuất hiện cùng lúc với mạng xã hội. Mới đây, trong chương trình Shark Tank, cô gái 26 tuổi Lê Hồng Thảo Quyên đã lập kế hoạch gọi vốn 7 tỷ đồng để chuyên nghiệp hóa nghề KOL Việt Nam.

Khi một cá nhân đạt mức theo dõi và like đến hàng trăm ngàn thì tiền từ các nhà quảng cáo sẽ lần lượt tìm đến họ. Trung bình thu nhập từ một status của một KOL triệu like có giá từ 30-70 triệu đồng. Có những KOL Việt kiếm 600 triệu đồng một tháng. Số lượng người thu nhập trăm triệu từ mạng xã hội không hiếm. Đó được cho là nguyên nhân chính dẫn đến những hành động “bất chấp câu like”.

Một lý do nữa, theo lý giải của những người đi trước, đó là “ma túy của sự nổi tiếng”. Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Mai Hoa chia sẻ: “Cái gọi là hào quang nổi tiếng khi mất đi, nó sẽ gây một khủng hoảng lớn. Ở nước ngoài, có hẳn những chuyên gia tâm lý chuyên biệt dành cho người nổi tiếng khi họ về già và hết thời. Nhiều người bị sốc, trầm cảm, suy sụp khi bị khán giả quay lưng. Cho nên những người này sẽ tìm mọi cách để duy trì hào quang ấy. Diễn viên phẫu thuật thẩm mỹ, KOL nói dối, tạo thành tích giả... đều là những phản ứng thông thường để níu giữ hào quang”.

Gần đây nhất, các fan Việt phản ứng dữ dội trước sự câu like bất chấp của vlogger Khoa Pug. Khoa Pug tên thật là Nguyễn Anh Khoa sở hữu kênh Youtube 2,2 triệu lượt đăng ký - nổi lên như một hiện tượng trong năm 2019.

Ngày 1/11, Khoa Pug đăng tải đoạn video với tiêu đề "Phụ nữ Nhật quỳ khóc xin cho cameraman được ăn” đã khiến nhiều người tẩy chay trang của Khoa.

Trong video này, Khoa Pug cho rằng cô phục vụ đã "quỳ khóc xin" anh cho người quay phim được ăn cùng. Tuy vậy, nội dung thực tế được các du học sinh tại Nhật dịch ra là nữ nhân viên phục vụ không muốn Khoa Pug ghi hình và đã từ chối phục vụ.

"Mình từng du học và làm thêm ở Nhật Bản. Việc quay phim khi ăn là điều tối kỵ trong văn hóa người Nhật. Rõ ràng trong clip người này còn nói “Tôi không phải vật quay cho người khác xem”, vậy mà Khoa Pug lại nói những gì không đâu", du học sinh Hoàng Anh cho biết.

Luật “sòng phẳng”

“Lịch sử phát triển của KOL tại Việt Nam chưa có chuyện “tre già măng mọc” vì hầu hết các KOL chưa kịp già, chủ yếu họ “chết vì tham” và những cái chết này thường vô cùng nhanh gọn. Trong cộng đồng mạng phổ biến câu chuyện nổi tiếng sau một đêm, thì cũng có chuyện KOL biến mất sau một đêm. Quy luật đào thải còn nghiệt ngã hơn cả showbiz” chuyên viên Nguyễn Vũ Việt cho biết.

Có một công thức chung của nhiều KOL là phần lớn họ tay ngang vào nghề. Những người này có đam mê với du lịch, thời trang, làm đẹp, nấu ăn... và muốn chia sẻ hiểu biết của mình với cộng đồng mạng. Hầu hết kiến thức của họ chỉ dựa trên kinh nghiệm bản thân, tự trải nghiệm và tìm hiểu, hiếm có người nào được đào tạo bài bản và có chuyên môn sâu. “Nếu có chuyên môn sâu họ đã mở nhà hàng, ở trong phòng nghiên cứu... chứ không lên mạng xã hội chằm chằm câu like” (Nghiên cứu sinh Lê Hải Nguyệt).

Nhiều KOL sau khi bị đổ có than phiền rằng cộng đồng mạng quá khắc nghiệt, nghề nghiệp quá nhiều áp lực, rằng họ cũng “khổ lắm, nhục lắm”.

Để đáp lại những lời tố khổ của KOL, cộng đồng mạng có một chiến dịch tên là “ngưng than vãn”! Theo lý giải của đội này, khi bước chân vào con đường KOL, các cá nhân buộc phải chuẩn bị tâm lý “dám thất bại”. “Không có con đường trải đầy hoa, có thể nhận được lợi ích không tưởng, thì cũng phải có gan chịu đựng những đau đớn không tưởng. Nếu tố chất tâm lý không đủ để vượt qua khủng hoảng, thế thì vui vẻ làm fan thôi”!

Hiện nay, “luật sòng phẳng” này đang là trend, đánh bại cả trào lưu “bye bye bully” (tạm dịch: ngưng nói lời ác) mà hàng loạt người nổi tiếng vừa hào hứng share trước đó.

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Mai Hoa tiết lộ, hai năm gần đây, mỗi năm trung bình chị điều trị cho 5-8 ca KOL trầm cảm vì “búa rìu dư luận”. “Họ đều mắc lỗi vì nói dối, đưa sai thông tin. Có trường hợp phải bồi thường cho thương hiệu vì vi phạm hợp đồng “giữ gìn hình ảnh”. Nặng nhất, có một trường hợp uống thuốc ngủ liều cao tuy rằng cấp cứu kịp nhưng bị di chứng về não”.

Ở Việt Nam, những KOL có trên 100.000 người hâm mộ (fan) ngày một nhiều, tỷ lệ những người có tầm ảnh hưởng trong một nhóm nhỏ (micro-influencer) với 50.000 người đến 1 triệu người theo dõi cũng tăng lên. Theo đó, thị trường quảng cáo thông qua KOL dần phát triển và đa dạng hơn. (Skyperry, một đơn vị cung cấp dịch vụ KOL).

“Nhiều người Việt Nam dành 5 tiếng sử dụng Internet mỗi ngày, trong đó 3 tiếng dành cho mạng xã hội. Vì vậy, bán hàng trên mạng xã hội được không ít doanh nghiệp lựa chọn là kênh chủ lực” (Thống kê của WeAreSocial).