Phòng ngừa các bệnh hay gặp mùa mưa lũ

0 39 0

Vì vậy, việc phòng chống dịch bệnh mùa mưa lũ là vô cùng quan trọng.

Bệnh đường hô hấp

Những ngày mưa kéo dài rất dễ làm gia tăng các bệnh đường hô hấp. Đối tượng thường gặp nhất là người cao tuổi, trẻ em và người có các bệnh mạn tính về đường hô hấp. Bệnh thường gặp nhất là viêm họng, cảm cúm. Khi bị cảm, cơ thể xuất hiện triệu chứng đau đầu, hắt hơi, sổ mũi, ho... Các triệu chứng nặng hơn là sốt cao, sốt kéo dài, người rét run và vã mồ hôi, mệt mỏi trầm trọng. Một số trường hợp, cảm lạnh và cúm có thể dẫn đến viêm phổi, viêm xoang, viêm tai hoặc viêm họng. Các bệnh hô hấp thường có khả năng lây nhiễm cao, tạo thành dịch, gây khó khăn cho việc điều trị. Để phòng ngừa bệnh hô hấp, có những biện pháp tăng cường hệ miễn dịch như tiêm phòng ngừa cúm, viêm phổi. Cần giữ ấm cơ thể cho trẻ nhỏ để không bị cảm lạnh. Đối với những loại viêm nặng nề hơn như viêm phế quản hay viêm phổi thì người bệnh cần phải khám bác sĩ để có chẩn đoán đúng, từ đó sẽ có các loại thuốc phù hợp. Ngoài ra nên tăng cường những khẩu phần ăn phù hợp (vitamin, hoa quả, trái cây, các loại rau xanh, hải sản...) để cơ thể tăng sức đề kháng.

Sau mưa lũ, cần vệ sinh môi trường để phòng chống bệnh tật.

Sau mưa lũ, cần vệ sinh môi trường để phòng chống bệnh tật.

Các bệnh về da

Sau mưa lũ, do điều kiện vệ sinh kém, môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm và chứa đựng nhiều vi khuẩn gây bệnh, trong đó phải kể đến các vi khuẩn gây bệnh về da. Một số bệnh ngoài da thường gặp mùa mưa như nấm kẽ chân, nấm móng, ghẻ, viêm da, viêm nang lông, nước ăn chân (do nấm ký sinh gây ra), mẩn ngứa... Đa số các trường hợp bệnh về da do tiếp xúc với nước bẩn mùa mưa, bệnh nhân chỉ cần dùng những loại thuốc bôi, rửa ngoài da là có thể kiểm soát được tình trạng bệnh. Tuy nhiên, nếu dùng thuốc tại chỗ không đem lại hiệu quả như mong muốn, người bệnh cần dùng thuốc có tác dụng toàn thân theo đường uống, thậm chí là đường tiêm để đạt được hiệu quả điều trị cao hơn. Để phòng ngừa các bệnh về da trong mùa mưa, các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần dọn vệ sinh môi trường sống sạch sẽ và hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các nguồn nước bẩn, nước tù đọng lâu ngày. Nên có sẵn những dung dịch sát khuẩn để rửa vết thương trước khi bôi thuốc hoặc sát trùng sau khi lội nước bẩn. Khi có dấu hiệu bị bệnh, cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị bệnh đúng cách.

Bệnh đường tiêu hóa

Sau mưa, lũ, lụt, bệnh về đường tiêu hóa thường tăng một cách đáng kể. Các bệnh đường tiêu hóa hay gặp như tả, lỵ, thương hàn, nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn. Các bệnh này thường dễ gây dịch với các triệu chứng cơ bản như đau bụng, mót rặn, tiêu chảy cấp. Điển hình hay gặp nhất trong và sau mưa, lũ, lụt là bệnh tiêu chảy cấp. Bệnh do nhiều loại vi khuẩn khác nhau gây nên nhưng chiếm vị trí hàng đầu vẫn là vi khuẩn tả (Vibrio cholera). Ở những nơi xảy ra mưa, lũ, lụt mà trong các nguồn nước có vi khuẩn tả thì cực kỳ nguy hiểm vì chúng có khả năng lây lan nhanh chóng. Bên cạnh tiêu chảy cấp do vi khuẩn thương hàn (Salmonella), vi khuẩn lỵ (Shigella), vi khuẩn E.coli, Campylobacter và một số vi khuẩn đường ruột khác cũng đóng vai trò đáng kể trong việc gây bệnh tiêu chảy gặp ở vùng mưa, lũ, lụt liên quan đến vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm và nước dùng trong sinh hoạt (ăn, uống). Khi xảy ra mưa lũ, úng lụt, các bệnh lây truyền qua nước sẽ có nguy cơ bùng phát hàng đầu: tiêu chảy do Rotavirus, tình trạng nhiễm giun sán... cũng sẽ có cơ hội lây truyền nhanh hơn.

Cách tốt nhất để mọi người bảo vệ mình không mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa là ăn các thức ăn mới nấu, đậy kín, chỉ uống nước sạch đã đun sôi, không ăn các thức ăn nguội mà ruồi nhặng có thể đậu vào. Các vùng mưa lũ ngập úng cần có biện pháp xử lý nguồn nước và môi trường khoa học, đúng quy trình để tránh làm bệnh có nguy cơ bùng phát. Sau khi chăm sóc người bệnh, cần rửa tay kỹ nhiều lần bằng xà phòng hoặc các dung dịch tẩy trùng như cloramin B.

Đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ là bệnh phổ biến, thường gặp ở cả người lớn lẫn trẻ nhỏ, bệnh sẽ dễ mắc và dễ bùng phát thành dịch tại những nơi mà điều kiện vệ sinh, nước sạch không bảo đảm. Trong mùa mưa lũ, thời tiết ẩm tạo điều kiện cho vi khuẩn, virut phát triển, kèm theo đó là việc phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm bẩn, đây là những nguyên nhân khiến số người mắc bệnh đau mắt đỏ tăng cao trong mùa mưa lũ. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang... Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; cần được nghỉ học/nghỉ làm việc để tránh lây nhiễm cho người xung quanh và lây lan ra cộng đồng; đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.

Sốt xuất huyết

Môi trường ẩm ướt, ô nhiễm, nước tù đọng là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, do đó bệnh sốt xuất huyết rất dễ xảy ra. Bệnh rất dễ lây và bùng phát trên diện rộng. Để phòng bệnh, mọi nhà cần loại bỏ nơi sản sinh của muỗi, dẹp bỏ các dụng cụ chứa nước tù, đọng, diệt bọ gậy/loăng quăng. Nên giữ vệ sinh nhà cửa và quanh nơi ở sạch sẽ để không có nước đọng quanh nhà tạo nơi sinh sản cho muỗi.

Lời khuyên của thầy thuốc

Nhằm phòng tránh các dịch, bệnh nguy hiểm sau mùa mưa lũ, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân: Thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt. Bảo đảm vệ sinh môi trường: Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom, xử lý, chôn xác động vật. Sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo để xử lý khi chôn cất. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ. Kịp thời phát hiện và dập tắt bệnh dịch truyền nhiễm như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm, đặc biệt cần đề phòng dịch tả, lỵ, thương hàn...

Ý kiến bạn đọc 0