Sự kiện này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong chương trình tiêm kích tiến công kết hợp JSF F-35 của quân đội Mỹ nói chung.

Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ được trang bị 4 máy bay F-35C. Ảnh: Marines Times.

Đầu năm 2019, Phi đội số 147 của Hải quân Mỹ đã nhận được chứng nhận Khả năng hoạt động ban đầu (IOC) đối với tiêm kích F-35C. Điều đó có nghĩa là biến thể này có thể thực hiện nhiệm vụ trên tàu sân bay.

Tiêm kích F-35C là phiên bản thiết kế hoạt động trên tàu sân bay. Về cơ bản, tiêm kích F-35C giống phiên bản tiêu chuẩn F-35A nhưng có kích thước cánh lớn hơn và có thể gập lại. Máy bay bổ sung thêm móc đuôi và khung được gia cố để phù hợp với hoạt động trên tàu sân bay.

Một điểm nổi trội của tiêm kích F-35C là dự trữ nhiên liệu của nó lên tới gần 9 tấn,  lớn nhất trong ba biến thể F-35, và nhiều hơn 46% so với các máy bay chiến đấu tàng hình khác.

Tiêm kích F-35C của Hải quân Mỹ. Ảnh: Navy Recognition.

Máy bay có thể mang theo 2 tên lửa không đối không và 2 quả bom GBU-31 trong lượng 900kg. Máy bay có thể đạt tốc độ lên tới 1.960km/h, tầm bay 2.800km, bán kính tác chiến 1.390km.

Trong 3 phiên bản của tiêm kích F-35 thì phiên bản hải quân có tiến độ đưa vào sử dụng chậm nhất. Phiên bản này gặp khá nhiều vấn đề kỹ thuật khi đưa vào thử nghiệm trên tàu sân bay.

Trước khi được biên chế tiêm kích F-35C, Thủy quân lục chiến Mỹ đã khai thác tiêm kích F-35B (có khả năng cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng), được sản xuất dành riêng cho lực lượng này, từ năm 2015./.

 

Theo qdnd.vn