Tiki và cuộc đua “đốt tiền” để trở thành kỳ lân công nghệ

0 7661 737

Cách đây 4 năm, ông Trần Ngọc Thái Sơn - CEO và nhà sáng lập tiki.vn - nói với ICTlife cho biết vẫn đang nỗ lực để khách mua hàng trên website này nhận được hàng giao trong vòng 24 giờ. Vậy mà đến nay, 85% mặt hàng trên Tiki đã có thể giao trong vòng 2 giờ đồng hồ, nhanh hơn hầu hết các đối thủ cùng ngành tại Việt Nam lẫn khu vực. Nhiều người ngồi ở Hà Nội nhưng đặt hàng cho bạn bè ở TP.HCM cực kỳ ngạc nhiên vì tốc độ giao hàng gần như tức thời của website này.

Nhà sáng lập Tiki Trần Ngọc Thái Sơn đi giao hàng trong giai đoạn đầu phát triển công ty.

Khởi nghiệp năm 2010 với việc chỉ bán sách tiếng Anh, 5 năm sau Tiki bán thêm hàng điện tử, công nghệ, thời trang, nội thất, làm đẹp, mẹ và bé… Năm thứ 8, Tiki bán thêm xe máy. Và đến năm 2019, Tiki mang luôn ô tô lên sàn để khách hàng mua online.

Cho đến thời điểm hiện tại, Tiki là doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước sáng giá và có thể đối đầu với các đối thủ mạnh trong khu vực như Lazada, Shopee. Tất nhiên, để đạt được kết quả này, Tiki đã thực hiện chiến lược phát triển thần tốc dựa vào các lần gọi vốn giá trị lớn, hy sinh lợi nhuận để mở rộng thị trường.

Từ 100 đầu sách đến 4 triệu mặt hàng

Sau gần 10 năm tồn tại, từ một website chỉ bán sách tiếng Anh, kể từ năm 2017, Tiki luôn nằm trong 5 trang thương mại điện tử lớn tại Việt Nam. Nửa đầu năm 2019, theo iPrice, Tiki đứng thứ nhì về lượt truy cập website trong số các trang thương mại điện tử trong nước. Cũng trong thời gian này, dù chỉ hoạt động tại thị trường Việt Nam nhưng website của doanh nhân 8x lọt vào top 5 trang thương mại điện tử được truy cập nhiều nhất trên toàn Đông Nam Á, sánh ngang với Shopee, Lazada và 2 website khác của Indonesia.

Khác với Shopee, Lazada hay Sendo hiện phát triển thành mô hình “chợ” - marketplace C2C (cho phép nhiều bên thứ 3 bán hàng trên nền tảng của họ), ngay từ ban đầu Tiki đã tạo khác biệt bằng mô hình B2C. Hàng hoá trên website được chính công ty nhập về bán nhằm kiểm soát chất lượng nguồn hàng, đây chính là một lý do cốt yếu khiến hàng hoá trên Tiki được tin tưởng nhiều hơn so với một số đối thủ.

Dù vậy, để phát triển rộng hơn nguồn hàng, công ty này cũng đã đi theo mô hình “chợ”, nhưng chợ được quản lý (managed marketplace) cách đây 3 năm. Mô hình này buộc các nhà bán hàng phải lưu sản phẩm tại kho của Tiki, giúp trang này quản lý được chất lượng sản phẩm lẫn khâu giao hàng. Ngược lại, các trang như Lazada, Shopee, Sendo chủ yếu để đối tác tự giao hàng cho khách.

Từ khoảng 100 đầu sách tiếng Anh cách đây 9 năm, Tiki hiện bán khoảng 4 triệu mặt hàng, phủ rộng hầu hết các ngành mà khách có nhu cầu mua sắm. Tiki hiện chiếm khoảng 10% tổng lượng mua sắm trên mạng của người dân Việt Nam, với lượng khách ghé website trung bình trên 30 triệu lượt/tháng.

Tiki tập trung phát triển trung tâm xử lý hàng để quản lý nguồn hàng và thời gian giao.

Nhiều ông lớn ra đi nhưng Tiki vẫn “đốt tiền” đúng hướng

Trong 10 năm qua, thị trường chứng kiến sự tham gia mạnh mẽ của nhiều trang thương mại điện tử với tiềm lực lớn nhưng cũng phải “ra đi”, như câu chuyện của Zalora, Adayroi, Vui Vui,... là các ví dụ.

Nếu chỉ quanh quẩn với các mặt hàng sách tiếng Anh thì chắc chắn Tiki không có được ngày hôm nay. Ông Trần Ngọc Thái Sơn từng cho biết chiến lược phát triển của Tiki là mở rộng ngành kinh doanh và phát triển thần tốc, đồng thời duy trì chất lượng hàng hoá và tốc độ giao hàng. Chính các yếu tố này đã thuyết phục các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước rót vào công cuộc “đốt tiền” của Tiki.

Khởi sự từ bán sách tiếng Anh năm 2010 và đạt được một số thành tựu nhất định, ông Trần Ngọc Thái Sơn ngay lập tức mở rộng ngành hàng cho Tiki trong giai đoạn 2011-2012. Khi nguồn vốn từ cá nhân không đủ cho nhu cầu mở rộng, năm 2012 Tiki huy động được nguồn tiền đầu tiên từ CyberAgent, sau đó là khoản vốn từ tập đoàn Sumimoto. Những lần bơm vốn này giúp Tiki phát triển nhanh hơn và lọt vào top 5 trang thương mại điện tử lớn vào năm 2015.

Những thành tựu của Tiki gắn liền với các lần gọi vốn thành công và… các khoản lỗ liên tục. Tháng 5/2016, Tiki nhận khoản đầu tư 17 triệu USD từ VNG, khoản tiền rất lớn của một doanh nghiệp trong nước rót vào thương mại điện tử. Khi đó, giá trị của Tiki đạt 45 triệu USD, VNG có được 38% cổ phần và là cổ đông lớn nhất của Tiki.

Mặc dù vậy, các đối thủ như Lazada, Shopee liên tục “đốt tiền”, năm sau gấp đôi năm trước để giành thị phần thì Tiki không thể đứng yên. Cuối năm 2017, Tiki có sự tham gia góp vốn của JD.com, tập đoàn thương mại điện tử số 2 tại Trung Quốc. Đầu năm 2018, JD.com tiếp tục rót tiền vào Tiki để trở thành một trong hai cổ đông lớn nhất tại đây, ngang với VNG - đã rót tổng cộng hơn 500 tỷ đồng vào trang này.

Sau khi Adayroi đóng cửa, Tiki nằm trong nhóm 4 trang thương mại điện tử lớn tại Việt Nam đến thời điểm này, cùng với Lazada, Shopee và Sendo. Cho đến thời điểm hiện tại, nhóm 4 trang này vẫn đang trong giai đoạn “đốt tiền” để mở rộng thị trường, chưa ai có lợi nhuận.

Cả Tiki và Sendo đang được kỳ vọng trở thành kỳ lân tiếp theo của Việt Nam, sau VNG - công ty khởi nghiệp đầu tiên của Việt Nam được định giá 1 tỷ USD. Dù vậy, việc có trở thành kỳ lân hay không của hai trang thương mại điện tử Việt Nam có lẽ tiếp tục phụ thuộc vào nguồn tiền họ gọi được trong cuộc đua giành thị phần, để không bị đối thủ vượt mặt như các trang thương mại điện tử khác từng “ra đi” vì không chịu nổi nhiệt.Box:

Do mô hình phát triển khác biệt, Tiki hiện đầu tư mạnh cho khâu lưu trữ và phân phối hàng hoá. Công ty hiện có 10 trung tâm xử lý hàng, với tổng diện tích lên tới 65.000 m2. Cuối năm 2020, công ty dự kiến đạt tới 200.000 m2, tập trung tại các điểm có nhu cầu lớn, nhằm phục vụ khâu xử lý hàng hoá.

*Bài viết được đăng trên Báo Xuân Canh Tý 2020 Báo Bưu Điện Việt Nam/Vietnamnet

Ý kiến bạn đọc 0