Tình cờ bắt sống hoàng đế Trung Quốc, vì sao Liên Xô không trả Bắc Kinh ngay mà giữ lại 5 năm?

0 6271 606
Tình cờ bắt sống hoàng đế Trung Quốc, vì sao Liên Xô không trả Bắc Kinh ngay mà giữ lại 5 năm?
Phổ Nghi bị quân đội Liên Xô bắt giữ năm 1945 (Ảnh: Sina)
 

Trong cuốn tự truyện xuất bản vào thập niên 1960, Phổ Nghi đã hé lộ một phần cuộc sống trong quãng thời gian ở Chita và Khabarovsk.

Sau khi Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng không điều kiện các nước Đồng minh vào ngày 14/8/1945, đến ngày 18/8, Phổ Nghi - hoàng đế cuối cùng của triều Thanh,Trung Quốc lúc này là hoàng đế bù nhìn của Mãn Châu quốc do Nhật Bản lập nên - đã từ bỏ ngôi vị và chuẩn bị đào tẩu khỏi vùng Đông Bắc Trung Quốc cùng quân đội Nhật Bản thua trận.

Theo RBTH (Nga), trong một chiến dịch nhảy dù tại Mukden (nay là Thẩm Dương, Trung Quốc), các binh sĩ Liên Xô đã "tình cờ" bắt được cựu hoàng Phổ Nghi tại một khu nhà trong sân bay, trong khi ông này chờ đợi để được sơ tán đến Nhật cùng các thành viên nội các. Không ai ngờ một nhân vật quan trọng như Phổ Nghi lại xuất hiện ở đây, và cựu hoàng chóng vánh được đưa về thành phố Chita, vùng Siberia, gần hồ Baikal.

Kể lại trong tự truyện, Phổ Nghi nói ngay sau khi máy bay hạ cánh tại Siberia, ông được đưa vào một chiếc xe sedan và di chuyển nhiều giờ. Khi xe dừng lại, Phổ Nghi bất ngờ cảm thấy lo sợ cho tính mạng khi nghe thấy có người nói với mình bằng tiếng Hoa trôi chảy.

Tình cờ bắt sống hoàng đế Trung Quốc, vì sao Liên Xô không trả Bắc Kinh ngay mà giữ lại 5 năm? - Ảnh 1.

Phổ Nghi khi ở trong tù (Ảnh: Getty)

"Trong bóng đêm, tôi trở nên sợ hãi," cựu hoàng Trung Quốc viết. "Tiếng nói khiến tôi nghĩ rằng người Trung Quốc đã xuất hiện để đưa chúng tôi trở lại Trung Quốc. Nếu điều đó xảy ra, không nghi ngờ gì là tôi sẽ bị giết."

Người nói bằng tiếng Hoa với Phổ Nghi thực chất là một sĩ quan Liên Xô gốc Hoa. Không những không gặp nguy hiểm về tính mạng, Phổ Nghi mô tả ông đã sinh sống khá thoải mái ở Chita và Khabarovsk trong 5 năm sau đó.

Điểm dừng đầu tiên là một khu trị liệu (hoặc điều dưỡng) ở gần thành phố Chita, nơi nổi tiếng với các suối khoáng.

"Chúng tôi được ăn ba bữa kiểu Nga mỗi ngày cùng với trà chiều, cũng phong cách Nga," Phổ Nghi viết. "Có người phục vụ chăm sóc chúng tôi và cả bác sĩ, điều dưỡng thường xuyên kiểm tra sức khỏe, khám chữa khi chúng tôi bị ốm."

Nhà chức trách Liên Xô cung cấp cho cựu hoàng nhà Thanh nhiều sách, trò chơi và một máy radio. Phổ Nghi cho biết thường xuyên đi dạo, tận hưởng cuộc sống tại Chita.

Theo RBTH, vào năm 1945, cuộc nội chiến ở Trung Quốc đang diễn ra và chưa rõ phần thắng sẽ thuộc về phe Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch hay đảng Cộng sản do Mao Trạch Đông lãnh đạo. Đây được cho là nguyên nhân chính khiến Liên Xô không vội vàng trao trả Phổ Nghi lại Trung Quốc.

Trong khi đó, cựu hoàng hoàn toàn không nhận thức về diễn biến địa chính trị toàn cầu thời điểm này. Ông viết, "Không lâu sau khi đến [Liên Xô], tôi bắt đầu có ảo tưởng rằng bởi vì Liên Xô, Anh, và Mỹ là đồng minh, nên cuối cùng tôi có thể tới được Anh hoặc Mỹ và sống đời lưu vong."

Tình cờ bắt sống hoàng đế Trung Quốc, vì sao Liên Xô không trả Bắc Kinh ngay mà giữ lại 5 năm? - Ảnh 2.

Phổ Nghi tuyên thệ trước tòa án xét xử tội phạm chiến tranh trong Thế chiến II (Ảnh: People's Daily)

Tìm cách ở lại Liên Xô

Phổ Nghi có đủ châu báu và các tác phẩm nghệ thuật giá trị, cho phép ông sống dư dả nốt phần đời còn lại ở phương Tây.

Tin rằng bước đầu để thực hiện mục tiêu đến phương Tây là bảo đảm có thể lưu lại Liên Xô, đồng thời lo sợ rằng cả Quốc dân đảng và đảng Cộng sản đều muốn thanh trừng bản thân, cựu hoàng đã viết thư gửi các nhà chức trách Liên Xô để xin được lưu trú dài hạn tại quốc gia này.

Từ Chita, Phổ Nghi được di chuyển tới thành phố Khabarovsk ở vùng Viễn Đông Nga. Theo mô tả, điều kiện tại đây không bằng Chita, song Phổ Nghi vẫn được sinh hoạt trong điều kiện tốt. Dù vậy, Phổ Nghi tỏ ra giận dữ khi những tù nhân bị giữ khác không còn gọi ông ta là Hoàng đế hay Hoàng thượng nữa, thay vào đó là xưng hô bằng "Phổ sư phụ".

"Trong 5 năm cấm túc ở Liên Xô, tôi chưa bao giờ có thể thực thi các quyền hành của mình," ông viết. Tại Khabarovsk, Phổ Nghi không có bất kỳ người phục vụ nào. Những tù nhân khác - gồm gia quyết của Phổ Nghi - làm công việc phục vụ cho ông, như mang đồ ăn và giặt quần áo. Cựu hoàng được những người này gọi là "Bề trên".

Trong tự truyện, Phổ Nghi đề cập một số bất tiện gặp phải khi nhà chức trách Liên Xô chuyển các thành viên gia đình ông ta đến trung tâm khác. Sau đó, anh rể Phổ Nghi trở thành người làm "nhiệm vụ" mang thức ăn và giặt quần áo.

Tuy không thích làm những công việc thường ngày, Phổ Nghi tỏ ra say mê làm vườn và bắt đầu tự trồng các loại rau trên mảnh đất được cấp.

"Tôi cùng gia đình trồng ớt xanh, cà chua, cà tím, đậu, và các loại rau khác. Nhìn thấy các loại rau xanh mọc lên từng ngày là điều tôi thấy ấn tượng nhất," Phổ Nghi viết. Sở thích làm vườn đã theo cựu hoàng về Trung Quốc sau này, và trở thành nghề nghiệp chính của ông sau khi được ân xá khỏi nhà tù Trung Quốc.

Đối với Phổ Nghi cùng những người đồng hành, tin tức về Trung Quốc chỉ được cập nhật thông qua phiên dịch của họ, cùng với tờ báo tiếng Hoa có tên Trud, do quân đội Liên Xô xuất bản.

Theo Phổ Nghi thì giới chức Liên Xô không có yêu cầu gì đối với ông. Được phát sách báo về chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa Lenin, cựu hoàng cảm thấy "hụt hẫng" khi người Nga muốn ông đọc về đề tài này nhưng lại không cho phép ông cư trú dài hạn.

Tình cờ bắt sống hoàng đế Trung Quốc, vì sao Liên Xô không trả Bắc Kinh ngay mà giữ lại 5 năm? - Ảnh 3.

Phổ Nghi (phải) chụp ảnh cùng Mao Trạch Đông

Những năm cuối đời ở Trung Quốc

Năm 1946, người Liên Xô đưa Phổ Nghi tới Tokyo để điều trần trước Tòa án Quân sự Quốc tế Viễn Đông (IMTFE).

"Tôi đã buộc tội người Nhật Bản là tội phạm chiến tranh, một cách trực tiếp và không kiêng dè gì. Tuy nhiên, mỗi khi nói về giai đoạn lịch sử này, tôi không bao giờ trao đổi về lỗi lầm của chính mình."

Phổ Nghi quyên góp một phần châu báu, trang sức của bản thân cho chính quyền Liên Xô, khẳng định muốn ủng hộ quá trình tái thiết kinh tế sau Thế chiến II. Mục đích của chuyện này được ông tiết lộ là để "tỏ ra thiện chí với người Nga và giành thiện cảm của họ", bởi "Liên Xô là nhân tố quyết định cuộc đời tôi".

Gần 1 năm sau khi nước CHND Trung Hoa thành lập (tháng 10/1949), Phổ Nghi được các sĩ quan Liên Xô tháp tùng trao trả về cho Trung Quốc vào tháng 8/1950.

"Dù [người Nga] kể chuyện đùa với tôi và cho tôi uống bia, ăn kẹo, tôi vẫn cảm thấy như họ đang đưa mình vào chỗ chết," cựu hoàng mô tả, tin chắc bản thân sẽ bị hành quyết. Nhưng nhà chức trách Trung Quốc chỉ đưa ông vào một trung tâm theo dõi tội phạm chiến tranh, cùng với một số thành viên gia đình ông và các cựu quan chức chính quyền nước Mãn Châu. Phổ Nghi được biết đến là tù nhân số 981 và phụ trách vườn rau của trại giam.

Hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc sống thêm 17 năm tại Trung Quốc, và còn chứng kiến sự khởi đầu của Cách mạng văn hóa.

Sau gần 10 năm trong tù, Phổ Nghi được đặc xá vào tháng 12/1959, rồi được chính quyền Bắc Kinh giới thiệu làm việc ở Vườn thực vật thuộc Sở nghiên cứu thực vật, Viện khoa học Trung Quốc. Ông chính thức đi làm từ ngày 18/2/1960.

Phổ Nghi kết hôn với người vợ thứ năm và cũng là cuối cùng, bà Lý Thục Hiền, vào năm 1962. Đến năm 1964, cựu hoàng được điều làm chuyên viên tư liệu ở Ủy ban nghiên cứu tư liệu văn sử thuộc Chính hiệp Trung Quốc, "thăng tiến" thành ủy viên Chính hiệp toàn quốc khóa IV. Phổ Nghi cũng được Mao Trạch Đông khuyến khích viết cuốn tự truyện của bản thân.

Khi Cách mạng văn hóa mở đầu vào năm 1966, nhà của Phổ Nghi bị Hồng vệ binh tấn công, ép đi lao động cải tạo. Cựu hoàng sau đó may mắn được Chu Ân Lai đưa vào danh sách đối tượng bảo vệ, nhờ đó tránh được sóng gió lịch sử này.

Ngày 17/10/1967, Phổ Nghi qua đời vì bệnh nặng.

 

Theo ttvn.vn

Ý kiến bạn đọc 0