VinFast lần đầu công bố số liệu tài chính

0 12866 1287

Trong báo cáo tóm tắt tình hình kinh doanh năm 2019 để đáp ứng quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp của Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast, lần đầu tiên nhà sản xuất ôtô này đã công bố số liệu tài chính của mình.

Cụ thể, VinFast cho biết đến cuối năm 2019, tổng vốn chủ sở hữu của công ty này đạt 19.459 tỷ đồng. Với hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 3,67 lần, nợ phải trả của doanh nghiệp ước khoảng 71.414 tỷ.

Như vậy, tổng tài sản cân đối tổng nguồn vốn của nhà sản xuất ôtô và xe điện này đến cuối năm 2019 là gần 91.000 tỷ đồng.

Báo cáo tóm tắt cũng lần đầu tiên công bố con số lợi nhuận của nhà sản xuất ôtô thương hiệu Việt. Trong đó, riêng năm 2019, công ty này lỗ ròng sau thuế 5.702 tỷ, với tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) âm 29%.

Thực tế, kịch bản lỗ trong những năm đầu đi vào vận hành của VinFast đã được nhiều chuyên gia dự báo từ trước. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên hãng sản xuất ôtô của Việt Nam công bố số lỗ ròng trong một năm tài chính kể từ khi đi được thành lập năm 2017.

VinFast lan dau cong bo so lieu tai chinh hinh anh 1 xe_vinfast.jpg

VinFast lỗ ròng hàng nghìn tỷ vì vẫn đang phải bán xe dưới giá thành sản xuất. Ảnh: Việt Linh.

Trong lần trả lời Bloomberg cuối năm 2019, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup (công ty mẹ VinFast) cũng cho biết hãng xe này sẽ chưa thể có lãi trong khoảng 5 năm tới.

Theo dự tính của ông, số tiền Vingroup phải bù lỗ cho nhà sản xuất ôtô này có thể lên tới 18.000 tỷ đồng mỗi năm. Các khoản này bao gồm chi phí tài chính và khấu hao và mỗi năm lỗ khoảng 7.000 tỷ vì bán xe dưới giá thành sản xuất.

Người giàu nhất Việt Nam cũng dự tính sẽ bán 10% lượng cổ phần của mình để huy động vốn cho VinFast. Trong đó, Bloomberg cho biết ông Vượng đang sở hữu 49% VinFast và 51% cổ phần còn lại do Vingroup nắm giữ.

Hiện tại, Vingroup ghi nhận VinFast trong bộ phận kinh doanh sản xuất và các dịch vụ liên quan bao gồm cả hoạt động của Vinsmart (chuyên điện thoại).

Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2019 mới công bố của tập đoàn này cho biết, tổng tài sản theo bộ phận mảng sản xuất đến cuối năm qua đã đạt trên 96.200 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm liền trước. Đây cũng là bộ phận kinh doanh có tài sản lớn thứ 2 tại Vingroup sau bộ phận kinh doanh chuyển nhượng bất động sản (hơn 140.000 tỷ).

VinFast lan dau cong bo so lieu tai chinh hinh anh 2 KET_QUA_KINH_DOANH_BO_PHAN_CUA_VINGROUP.jpg

 

Hoạt động sản xuất (bao gồm VinFast) năm vừa qua cũng mang về cho tập đoàn 9.201 tỷ đồng doanh thu thuần bên thứ 3, tương đương 7% doanh thu hợp nhất.

Tuy nhiên, hoạt động này cũng ghi nhận khoản lỗ trước thuế theo bộ phận 9.913 tỷ đồng vào báo cáo tài chính hợp nhất.

Trong năm 2018 trước đó, mảng sản xuất mang về cho tập đoàn Vingroup 556 tỷ đồng doanh thu và cũng khiến tập đoàn gánh khoản lỗ 1.028 tỷ.

Thực tế nhiều năm gần đây, nhờ nguồn lợi nhuận lớn từ bộ phận kinh doanh chuyển nhượng bất động sản và cho thuê bất động sản đầu tư (trên 32.000 tỷ năm gần nhất) mà Vingroup vẫn có thể bù lỗ cho các mảng dịch vụ khách sạn, du lịch, vui chơi giải trí; y tế; giáo dục; bán lẻ (đã chuyển nhượng); và sản xuất.

Trong năm 2019, tổng doanh thu thuần hợp nhất toàn tập đoàn này đạt 130.036 tỷ đồng, tăng 7% so với năm trước.

Khoản lợi nhuận trước và sau thuế Vingroup thu về đạt lần lượt 15.637 tỷ và 7.717 tỷ đồng, tăng tương ứng 13% và 24% so với năm 2018.

Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản doanh nghiệp này đạt 403.741 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu đạt 120.589 tỷ, tăng lần lượt 40% và 22% so với cuối năm 2018.

 

Ý kiến bạn đọc 0