Xây dựng ASEAN 2020 “gắn kết và chủ động thích ứng”

0 8429 777

Thưa quý vị và các bạn, trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN là đối tác rất quan trọng, là cửa ngõ để Việt Nam hội nhập quốc tế thuận lợi hơn. Ngược lại, Việt Nam cũng đã có những đóng góp không nhỏ cho ASEAN, trong đó lớn nhất là việc đưa một khu vực từ chia rẽ đến một thực thể thống nhất.

Năm 2020, Việt Nam kỷ niệm 25 năm gia nhập ASEAN và sẽ đảm nhận vị trí chủ tịch luân phiên của ASEAN. Có thể nói đây là thời điểm thích hợp để nhìn nhận lại tiến trình Việt Nam gia nhập ASEAN kể từ năm 1995.

Đó cũng là lý do hôm nay Báo VietNamNet tổ chức tọa đàm trực tuyến cùng hai vị khách mời: Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quang Minh, hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Chiếc “chìa khóa” đồng thuận

Thưa đại sứ Phạm Quang Vinh, có thể khái quát ra sao về quá trình hơn 5 thập kỷ thành lập và trở thành một thực thể thống nhất ngày nay của ASEAN?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Trước hết, ASEAN đã phát triển từ 5 nước ban đầu lên thành 10 nước Đông Nam Á. Thứ hai, thực chất của ASEAN là một tổ chức có thể bảo đảm môi trường hòa bình ổn định và phát triển khu vực này. Thứ ba, tôi đặc biệt nhấn mạnh đến hội nhập kinh tế ASEAN - hội nhập làm sao cho không gian ASEAN 10 nước này thành một không gian kinh tế chung.

Có thể nói 50 năm qua đã chứng kiến ASEAN từ một tổ chức mang tính hiệp hội sơ khai rất lỏng lẻo của khu vực phát triển thành một cộng đồng ngày càng chặt chẽ trên 3 trụ cột: chính trị, an ninh; văn hóa và kinh tế đóng góp vào môi trường hòa bình ổn định và phát triển của cả khu vực, của từng nước thành viên cũng như phát huy vai trò của mình trong hợp tác quốc tế. Từ một Đông Nam Á chia rẽ thành một Đông Nam Á gắn kết và thành một cộng đồng đóng góp về hòa bình, kinh tế, cũng như văn hóa xã hội.

Xây dựng ASEAN 2020 “gắn kết và chủ động thích ứng”
 GS.TS. Phạm Quang Minh, hiệu trưởng Trường ĐHKHXHNV (ảnh trái) và Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao (ảnh phải) trong buổi giao lưu

Thưa Giáo sư Phạm Quang Minh, theo ông chìa khóa để tạo nên thành công và sức mạnh của ASEAN là gì?

GS. Phạm Quang Minh: Tôi nghĩ chìa khóa chính là sự đồng thuận. Ra đời vào năm 1967 trong thời điểm đỉnh cao của Chiến tranh lạnh, các nước ASEAN cũng bị lôi kéo và chia rẽ bởi các cường quốc. Thế nhưng 5 nước thành viên ban đầu đã quyết định thành lập một hiệp hội của các quốc gia Đông Nam Á, tạo cơ hội cho các quốc gia hợp tác với nhau và vẫn mở cửa cho các nước còn lại.

Đến năm 1976, khi hội nghị thượng đỉnh đầu tiên được tổ chức tại Bali, nguyên tắc đồng thuận cũng như không can thiệp vào công việc nội bộ đã được xác định trong Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Ðông Nam Á (TAC).

Từ đó đến nay nguyên tắc này đã tạo được một sự gắn kết giữa các nước ASEAN với nhau và tạo ra sức mạnh, bởi các nước ASEAN đều là nước vừa và nhỏ. Và như câu nói nổi tiếng của Ngoại trưởng Singapore năm 1967 S. Rajaratnam, rằng nếu chúng ta không đồng thuận với nhau, không đoàn kết với nhau thì chúng ta sẽ bị tiêu diệt từng người một, chính xác là sẽ bị treo cổ từng người một. Sự đồng thuận, thống nhất và gắn kết với nhau có lẽ là quan trọng nhất với ASEAN.

Những thành tựu ấy đã giúp ASEAN có tiếng nói và vị thế ra sao trong khu vực cũng như thế giới, thưa ông?

GS. Phạm Quang Minh: Tôi nghĩ hiện ASEAN đã trở thành một tổ chức khu vực được coi là thành công nhất. Trước đây người ta nói ASEAN lỏng lẻo, nhưng chính sự lỏng lẻo đó lại tạo ra sức đàn hồi rất lớn, nói cách khác điểm yếu của ASEAN tất nhiên là có những hạn chế, nhưng lại trở thành một trong những sức mạnh giữ cho ASEAN tồn tại được. Bởi thế giới thay đổi rất nhanh, nếu cứ bám chặt những nguyên tắc nào đó với một cơ cấu cồng kềnh, một tổ chức nhiều tầng lớp như kiểu Liên minh châu Âu thì rất khó cho một tổ chức bao gồm các nước vừa và nhỏ như ASEAN.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Đúng như ông Phạm Quang Minh nói, trong một khu vực Đông Nam Á trải qua một lịch sử thậm chí từng đứng ở hai đầu chiến tuyến trong một cuộc chiến tranh, với nhiều khác biệt về văn hóa kinh tế xã hội mà có thể gắn kết được với nhau, đồng lòng cùng đi lên cộng đồng và tiếp tục phát triển dù môi trường khu vực, quốc tế thay đổi rất nhiều thì đó là một thành công mà khó có tổ chức nào trong điều kiện tương tự có được.

GS. Phạm Quang Minh: Đó chính là sự thống nhất trong đa dạng. Sự bổ sung lẫn nhau khiến ASEAN giống như vườn hoa muôn sắc màu.

Thưa Đại sứ Phạm Quang Vinh, ASEAN nằm ở vị trí địa chiến lược quan trọng, là khu vực rất rộng lớn kết nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. ASEAN đã và đang phát huy vai trò trung tâm của mình như thế nào trong việc kiến tạo một cấu trúc khu vực rộng mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ?

Xây dựng ASEAN 2020 “gắn kết và chủ động thích ứng”

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Việc ASEAN nằm ở một trung tâm khu vực địa chiến lược quan trọng như vậy đem đến cả thuận lợi lẫn thách thức. Thuận lợi là có thể chơi được với nhiều bên, nhiều đối tác quan trọng, và chính vị trí này khiến nhiều nước nhiều bên cần đến đây. Nhưng đồng thời ASEAN cũng luôn luôn phải ứng phó với cạnh tranh lợi ích giữa các nước với họ, giữa họ với nhau và giữa họ với ASEAN.

Tôi thấy có mấy điểm ASEAN làm được. Một là, ASEAN có thể chơi được với tất cả các nước bằng cách của mình, là không làm hại ai nhưng đồng thời có thể gắn kết và tạo cho các nước khác, kể cả các nước lớn đang cạnh tranh nhau mạnh mẽ như bây giờ là Trung Quốc và Mỹ, đều thấy ở ASEAN có những lợi ích mà tham gia vào khu vực này.

Thứ hai, ASEAN bằng nguyên tắc của mình là kiến tạo một môi trường trung dung, thúc đẩy hợp tác và tìm mẫu số chung, kể cả có những lúc mẫu số chung đó là nhỏ chứ không lớn, để có thể hợp tác bên trong ASEAN cũng như ASEAN hợp tác kết nối với bên ngoài.

Thứ ba, trong lịch sử hơn 50 năm phát triển ASEAN đã tạo ra những diễn đàn, những khuôn khổ hợp tác. Ngoài ASEAN ra còn có ASEAN+1, ASEAN+3, cấp cao Đông Á hay là Hội nghị Bộ trưởng ASEAN mở rộng, hay hội nghị an ninh khu vực ARF… Tất cả cho thấy không chỉ ASEAN vươn ra với các đối tác, mà bản thân các nước khác cũng tham gia vào đấy vì nhận thấy lợi ích của mình.

Còn phát huy được vai trò trung tâm như thế nào? Thứ nhất, chắc chắn là ASEAN phải định ra những nguyên tắc của mình. Và chính những nguyên tắc đó thì mới tạo được sự đồng thuận cho  ASEAN, để ASEAN thành một nhóm gắn kết hợp tác với các đối tác.

Thứ hai ASEAN từ những nguyên tắc đó phải có tiếng nói ứng xử với những vấn đề cốt tử của khu vực này, từ hòa bình an ninh đến phát triển kinh tế, đến ứng phó với những vấn đề nảy sinh như là an ninh phi truyền thống.

Và điểm thứ ba là trong cạnh tranh giữa các nước lớn, ASEAN phải định được vị trí của mình là vừa chơi được với các nước vừa khẳng định được nguyên tắc của mình, không chấp nhận những sự can thiệp hoặc làm phức tạp khu vực này.

Đại sứ vừa nói đến câu chuyện ASEAN giữ vai trò trung tâm, có những nguyên tắc để đi đến sự thống nhất. Tuy nhiên việc gắn kết hài hòa các mối quan hệ cùng có lợi giữa các nước thành viên trong nội khối cũng như với các nước đối tác là một trọng trách không phải đơn giản, đúng không ạ?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Chắc chắn là không đơn giản. Quá trình ASEAN với 10 nước khác nhau có thể đồng hành đi vào xây dựng cộng đồng không phải lúc nào cũng dễ dàng. Họ thống nhất về mục tiêu xây dựng cộng đồng, nhưng lộ trình đi đến, rồi nhấn mặt này hay mặt kia còn có những cái khác biệt. Nhưng quan trọng là ASEAN đã tạo được một quá trình trao đổi với nhau và rồi cũng đi tới thống nhất.

Nhưng còn câu chuyện ASEAN 10 nước tương tác với các đối tác bên ngoài khi họ đến đây với rất nhiều mục tiêu khác nhau, đương nhiên họ coi trọng ASEAN, nhưng họ có những lợi ích riêng. Thế thì làm sao ASEAN có thể đoàn kết được là vấn đề rất quan trọng,

Đương nhiên ASEAN có những nguyên tắc. Nhưng cái thứ hai nữa là 10 nước ASEAN cũng có những lợi ích chung trong gắn kết với các đối tác bên ngoài.

Thứ ba, khi nảy sinh những vấn đề có sự khác biệt trong ASEAN thì phải nhìn nhận đó là bình thường. Nhìn lại 50 năm lịch sử, đặc biệt là 20 năm phát triển vừa qua của ASEAN, có nhiều ví dụ về việc các nước ASEAN còn khác biệt trong cách tiếp cận vấn đề, trong quan hệ với các đối tác. Có thể họ sớm đi đến đồng thuận, nhưng cũng có thể mất một quá trình để đi đến đồng thuận.

Chẳng hạn, năm 2012, Hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45 (AMM – 45)  lần đầu tiên không ra được thông cáo chung, mà lý do được cho rằng vì cách tiếp cận, nhìn nhận khác nhau đối với vấn đề biển Đông. Nhưng ngay sau đó qua một tiến trình tham vấn mới, ASEAN đã ra được tuyên bố 6 điểm về các nguyên tắc đối với vấn đề biển Đông, trong đó có những nguyên tắc được phát triển hơn và người ta cũng thấy giá trị ASEAN, có được bài học đừng để lặp lại một thất bại như vậy.

Và những hội nghị tiếp theo như ở Lào, Malaysia những năm 2015, 2016 cũng có những cọ sát rất lớn, nhưng cuối cùng ASEAN đã không để lặp lại chuyện của năm 2012.

Có thể thấy khi các quốc gia trong ASEAN kết hợp được hài hòa lợi ích quốc gia với lợi ích mà họ sẽ được hưởng trong khu vực này, họ sẽ tìm được ra cách.

Đoàn kết trong sự đa dạng

Thưa ông Phạm Quang Minh, ASEAN đã khởi xướng những diễn đàn chính nào và những diễn đàn này đã phát huy vai trò ra sao trong quá trình phát triển của cộng đồng ASEAN?

GS. Phạm Quang Minh: ASEAN tồn tại được chính là vì đã phát huy được sức sáng tạo, năng lực của mình. Người ta đánh giá rất cao ASEAN trong việc đưa ra được các sáng kiến, các chuẩn mực. Nhìn lại lịch sử từ năm 1967 đến giờ có vô vàn sáng kiến rất quan trọng, từ việc xây dựng Đông Nam Á trở thành khu vực không có vũ khí hạt nhân, rồi một khu vực hòa bình trung lập. Và đặc biệt quan trọng là diễn đàn an ninh khu vực, gọi tắt ARF ra đời năm 1994.

Nói ARF rất vai trò quan trọng là bởi lịch sử của ASEAN, của khu vực Đông Nam Á cũng như là châu Á nói chung không có một truyền thống hợp tác đa phương về vấn đề an ninh. Chúng ta thấy chủ yếu là các hiệp định an ninh song phương giữa Mỹ và các nước trong khu vực chứ chưa có cơ chế đa phương nào. Đến năm 1994 trước sức ép của những vấn đề về tranh chấp chủ quyền, biển đảo, các vấn đề an ninh phi truyền thống, ASEAN đã đưa ra sáng kiến thành lập Diễn đàn khu vực ASEAN, gọi tắt là ARF.

Người ta đặt ra 3 bước của ARF, thứ nhất là xây dựng lòng tin, bước thứ hai là ngoại giao phòng ngừa và đến bước thứ ba mới là giải quyết xung đột. Nhiều người cũng phê phán là từ năm 1994 đến giờ thực ra mà nói cứ dừng mãi ở bước 1, chuyển sang bước 2, tức là ngoại giao phòng ngừa, được một chút, chứ vẫn còn cứ đang xây dựng lòng tin. Bởi lòng tin chưa có giữa các nước trong khu vực này.

Khi chuyển sang bước 2, có thể thấy hoạt động ngoại giao giữa các nước rất mạnh với các cuộc trao đổi thường niên, song phương, đa phương. Nhưng người ta lại cũng hoài nghi “à chẳng giải quyết được cái gọi là xung đột đâu”, bởi vì giữa các nước tranh chấp chủ quyền nhiều quá, hầu như nước nào cũng có. Nhưng tôi nghĩ ít nhất ARF cũng tạo ra một cơ hội, cơ chế đối thoại cho những bên dường như không thể nào ngồi được với nhau.

Còn nhiều cơ chế khác, chẳng hạn hội nghị ADMM+ ra đời năm 2010 khi Việt Nam làm chủ tịch ASEAN.

Các cơ chế cho thấy điều quan trọng là ASEAN luôn luôn tiến về phía trước, luôn luôn đưa ra các sáng kiến. Có thể những sáng kiến đó chưa thực hiện được nhưng ít nhất nó cũng tạo ra những sân chơi hay cơ chế để các bên có thể đối thoại được với nhau, nhất là những bên có mâu thuẫn trực tiếp không thể giảng hòa được.

Có thể nói ASEAN đóng vai trò trung tâm và chèo lái chính là ở chỗ đó - đem các bên xích lại gần nhau cho dù họ có những xung đột, mâu thuẫn.

Xây dựng ASEAN 2020 “gắn kết và chủ động thích ứng”

GS. Phạm Quang Minh vừa nói đến câu chuyện xây dựng lòng tin. Đúng là không ít người hoài nghi liệu có phải đoàn kết nội khối đang là một vấn đề của ASEAN và nó có bị chi phối bởi các nước bên ngoài hay không? Quan điểm của Đại sứ Phạm Quang Vinh ra sao, thưa ông?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Cái chúng ta cần bàn ở đây là chuyện đoàn kết được trong sự đa dạng, như GS Phạm Quang Minh đã nhắc đến, thay vì nói đoàn kết hay mất đoàn kết.

Trong quá trình phát triển và xử lý các vấn đề liên quan đến ASEAN hay tương tác các nước trong quan hệ ASEAN, có khác biệt là đương nhiên. Tôi thích nhìn ở góc độ càng khác biệt thì rõ ràng vấn đề đặt ra đối với ASEAN và khu vực càng là vấn đề lớn. Và nếu chúng ta nhìn lại những năm gần đây thì phải đến hơn 90% các vấn đề ASEAN có đồng thuận, việc xây dựng cộng đồng, xây dựng chuẩn mực, mở rộng quan hệ với các đối tác, thúc đẩy các sáng kiến của ASEAN trên tất cả các lĩnh vực bao gồm cả an ninh phi truyền thống… Đó là bề dày của ASEAN nhưng lại là bề chìm mà ít người đề cập.

Còn một vài vấn đề ASEAN có khác biệt, trong đó bao gồm tương tác giữa các nước lớn tới vấn đề biển Đông mà ASEAN phải tranh luận nhiều hơn thì đó là những vấn đề quá lớn với khu vực này, với ASEAN. Nhưng quan trọng là dù có khác biệt rất lớn, nhưng họ vẫn có thể có được tiếng nói, và là tiếng nói rất nguyên tắc, rất mạnh.

Thứ hai là bên ngoài phải lắng nghe tiếng nói của ASEAN.

Thứ ba là các nước lớn dù khác biệt với nhau, kể cả trong vấn đề biển Đông, vẫn đến đây cùng ASEAN. Có thể thấy dù các vấn đề hóc búa đến đâu thì các dòng chảy về ngoại giao trong ASEAN vẫn liên tục vận động, chính điều đó tạo cho ASEAN một sức mạnh để giữ vị trí trung tâm và có thể vươn lên được.

Khác biệt là chuyện đương nhiên, nhưng quan trọng là xử lý khác biệt đó mà vẫn đoàn kết, vẫn thể hiện được sự đa dạng của mình và các nước bên ngoài vẫn chơi với ASEAN, vẫn coi trọng vai trò của ASEAN.

Vậy theo Đại sứ, trong quá trình phát triển của mình liệu ASEAN có thể vượt qua những cám dỗ, phân định giữa những quyền lợi riêng với quyền lợi chung của cộng đồng, cũng như là quyền lợi chung trong cộng đồng và quyền lợi của các nước đối tác?

Xây dựng ASEAN 2020 “gắn kết và chủ động thích ứng”

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Tôi nghĩ bất cứ một quốc gia nào trong quan hệ quốc tế nói chung và trong khi tham gia vào ASEAN đều cân nhắc đâu là lợi ích quốc gia, đâu là lợi ích tổ chức, khu vực mình đang tham gia. Trong quá trình đó có những lúc khác biệt thì việc nhìn nhận và xử lý khác biệt đó thế nào rất quan trọng.

Cá nhân tôi thấy rằng, đến cuối những năm 1990 khi ASEAN hoàn tất quá trình cả 10 nước Đông Nam Á gia nhập ASEAN thì rất nhiều nước ASEAN đều nhìn nhận rằng việc trở thành thành viên ASEAN mang lại lợi ích cho quốc gia. Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar hay các nước đi trước như Singapore, Malaysia, Philippines… đều thấy điều đó. Việc kết hợp hài hòa giữa quốc gia và khu vực luôn là bài tính phép thử đối với mỗi một quốc gia và đối với ASEAN.

Thứ hai, trên con đường phát triển của ASEAN, khi mỗi một quốc gia ngày càng có lợi ích nhiều hơn trong quá trình hội nhập ASEAN và trong việc phát huy vị thế của mình thông qua ASEAN thì họ sẽ thấy đồng thuận nhiều hơn trong lợi ích với khu vực.

Thứ ba, cũng phải nói rằng nếu anh không kết hợp hài hòa, vị thế, uy tín của anh sẽ giảm đi. Cho nên con đường tốt nhất là tham vấn với nhau để có cách xử lý phù hợp.

GS. Phạm Quang Minh: Để khái quát tất cả những gì Đại sứ Phạm Quang Vinh vừa giải thích thành một từ thì đó chính là “ASEAN way” - phương cách của ASEAN, tức là cách thức ASEAN giải quyết những vấn đề mâu thuẫn, khác biệt. ASEAN không bao giờ đưa những vấn đề đó ra giải quyết một cách chính thức, người ta gọi ngoại giao đó của ASEAN là ngoại giao thầm lặng, nó khác với nền ngoại giao chính thức ở các nước thuộc các khu vực khác.

Chúng ta đều biết, trong truyền thống các nước Đông Nam Á, châu Á, cái gọi là giữ thể diện cho nhau rất quan trọng. Thế nên những sự kiện được gọi là chính thức người ta không đưa những mâu thuẫn lên để bàn bạc, mà thường là giải quyết bên ngoài lề, chẳng hạn các đại sứ chia sẻ với nhau trong buổi tiệc, thậm chí kể cả ca hát, đánh golf.

Thưa ông Quang Minh, như vậy thì có thể xem đó là cách để ASEAN có được những thành tựu như ngày nay và không lặp lại tình huống Brexit như đang xảy ra tại EU?

GS. Phạm Quang Minh: Đúng vậy. Tính đến nay với 52 năm đã qua, quả thực đã rất nhiều sóng gió, thăng trầm, chông gai trong ASEAN. Chẳng hạn, một trong những thăng trầm đó là vấn đề biển Đông trong hội nghị AMM 45 năm 2012 như Đại sứ Phạm Quang Vinh đã nhắc đến.

Tôi nghĩ chông gai, thách thức tiếp theo mà ASEAN phải vượt qua là hoàn thành mục tiêu xây dựng cộng đồng dựa trên 3 trụ cột là an ninh chính trị, kinh tế và văn hóa xã hội. Làm sao xây dựng ASEAN trở thành một cộng đồng, tổ chức của người dân, lấy người dân làm trung tâm chứ không phải là của các quan chức hay chỉ là những tuyên bố có tính chất chính trị.

Thứ hai về mặt kinh tế thì rõ ràng ASEAN đang là một trong những nền kinh tế lớn, thuộc top 10 thế giới, cần phấn đấu trong một số năm tới sẽ trở thành nền kinh tế thứ tư chẳng hạn.

Về văn hóa xã hội thì đây là một cộng đồng rất đa dạng. Lấy thí dụ sự kiện SEA Games. Theo tôi, đó là ngày hội của các nước ASEAN, là sự cạnh tranh. Và cạnh tranh đem lại những động lực mới cho sự phát triển. Chẳng hạn, bóng đá Việt Nam mà không có một đối thủ như Thái Lan thì cứ mãi mãi dừng ở chỗ cũ, mà Thái Lan không có một đối thủ như Việt Nam thì cứ luôn luôn mình là số 1 đúng không? Sự cạnh tranh lành mạnh từ văn hóa, xã hội, thể thao sẽ lan sang kinh tế, lan sang những lĩnh vực khác. Và đó là dấu hiệu tốt cho một tổ chức khu vực như ASEAN.

Thưa đại sứ Phạm Quang Vinh, theo ông, ASEAN cần ứng xử như thế nào trong bối cảnh hiện nay mà khi các nước lớn có những tiếng nói khác nhau, thậm chí là bất đồng?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Không phải đến giờ các nước lớn trong quan hệ với nhau và trong quan hệ với khu vực này không phải đến giờ mới có bất đồng, nhưng mức độ cạnh tranh đã trở nên quyết liệt và mở rộng hơn, đặc biệt là quan hệ Trung – Mỹ.

Trong truyền thống của mình ASEAN luôn có cách ứng xử với các nước lớn, bao gồm với cả sự vươn lên của Trung Quốc và trong quan hệ với Mỹ. Đó là ASEAN phải giữ được tiếng nói dựa trên lợi ích của bản thân là tập hợp của các nước nhỏ ở khu vực, tiếng nói của họ, vai trò vị trí của họ trong khu vực phải được công nhận.

Thứ hai là trước sự cạnh tranh Trung Mỹ vừa rồi, ASEAN cũng đã có khoảng thời gian trong 2, 3 năm qua để bàn bạc với nhau thì một trong những cái mà họ mong muốn nhất là đừng bắt họ phải chọn bên này hay bên kia. ASEAN muốn quan hệ tốt với các nước lớn, muốn tốt với cả Trung Quốc, muốn tốt với cả Hoa Kỳ, tranh thủ những lợi ích song trùng để cùng hợp tác phục vụ cho ASEAN và cho khu vực này để hòa bình ổn định và phát triển.

Tất nhiên, ASEAN với tư cách từng quốc gia riêng vẫn có những tương tác khác nhau với các nước lớn mà có thể vì lợi ích quốc gia nó tạo ra những nhìn nhận khác nhau trong xử lý các vấn đề khu vực.  Nhưng ASEAN là những nước nhỏ, họ có lợi ích song trùng và không muốn bị kéo vào cuộc can dự, đối chọi giữa các nước lớn, họ muốn quan hệ tốt với tất cả các bên và tôi nghĩ họ sẽ tìm cách tránh được cái bẫy rơi vào cạnh tranh giữa các nước lớn với nhau.

Thưa ông Phạm Quang Minh việc Việt Nam gia nhập ASEAN đã cho thấy sự chuyển biến nào giữa cả hai bên?

Xây dựng ASEAN 2020 “gắn kết và chủ động thích ứng”

GS. Phạm Quang Minh: Tôi nghĩ vào năm 1995 chuyện thảo luận việc gia nhập ASEAN chắc chắn là một chủ đề được bàn cãi rất nhiều, không chỉ phía Việt Nam mà ngay cả ASEAN. Bởi từ cựu thù, từ sự thù địch, nghi ngờ cho đến trở thành một thành viên của tổ chức đó là cả một quá trình về mặt nhận thức. Các nước thành viên là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Ngược lại, các thành viên của ASEAN lúc đó cũng nhìn nhận Việt Nam bằng con mắt không phải thân thiện, tin cậy ngay, bởi rõ ràng Việt Nam là một quốc gia có chế độ chính trị khác.

Thế nhưng năm 1995 đã có sự gặp nhau từ cả hai phía. Việt Nam đã nhìn nhận ASEAN với tư cách với một tổ chức thực sự có nguyên tắc hòa bình trung lập, phát triển kinh tế mạnh mẽ, hợp tác quốc tế tốt. Còn bên ngoài nhìn nhận thấy Việt Nam đã có một quá trình đổi mới gần 10 năm tính từ năm 1986, từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang một nền kinh tế thị trường. Họ nhìn thấy ở đây một thị trường rất lớn.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Rất nhất trí với ý kiến của GS Phạm Quang Minh. Trong câu chuyện từ hai phía đối nghịch, khác biệt, mâu thuẫn nhau trở thành thành viên trong một hiệp hội thì có lẽ chuyển biến lớn nhất chính là chuyển biến trong nhận thức từ hai phía. Sau chuyển biến nhận thức, khi đã cùng vào trong một hiệp hội thì tiếp đó là một quá trình liên tục xây dựng lòng tin và gắn kết lợi ích giữa từng nước với nhau vào với khu vực.

Từ hội nhập khu vực đến ra biển lớn

Vậy theo đại sứ Phạm Quang Vinh khi Việt Nam gia nhập ASEAN, người dân Việt Nam được hưởng những lợi ích như thế nào?

 

Xây dựng ASEAN 2020 “gắn kết và chủ động thích ứng”

Đại sứ Phạm Quang Vinh: ASEAN đang phấn đấu xây dựng cộng đồng hướng tới người dân và việc Việt Nam tham gia vào khu vực chung này đã tạo ra những dòng trao đổi và giao lưu rất mạnh giữa người dân với nhau trong khu vực, trên tất cả các lĩnh vực, không chỉ chính trị an ninh mà cả về cơ hội làm ăn, phát triển kinh tế, trao đổi giáo dục, thể thao du lịch, v.v...

Chẳng hạn rõ ràng bây giờ người dân đi lại trong ASEAN rất dễ dàng. Chúng ta có thể bay sang Singapore, sang Malaysia, Thái… để du lịch, chữa bệnh, thăm người thân, làm ăn… mà không cần phải xin visa. Tôi nhớ vào những năm 1980 phải đợi lâu lắm mới xin được visa. 

Trao đổi sinh viên giữa các nước cũng là mảng quan trọng, rất nhiều sinh viên Việt Nam đang học ở Singapore hay Malaysia.

Hay trong thể thao, bây giờ cứ mỗi trận đấu bóng của Việt Nam ở các nước trong khu vực rất nhiều cổ động viên có thể đi cổ vũ. Đó chính là thuận lợi hóa trong trao đổi giữa người dân trong ASEAN mà môi trường chính sách, trong đó có chính sách visa, mang lại.

Thưa ông Phạm Quang Minh, là hiệu trưởng Trường ĐHKHXHNV, ông có thể nói thêm về việc giao lưu giáo dục, học thuật giữa các trường trong khối ASEAN?

GS. Phạm Quang Minh: Trong 3 trụ cột của cộng đồng ASEAN là chính trị, an ninh; kinh tế và văn hóa, xã hội thì đúng là chúng ta phải quan tâm nhiều hơn nữa tới trụ cột văn hóa xã hội.

Nói về mảng giáo dục chúng tôi thấy có nhiều thay đổi lớn.

Trường chúng tôi 2 năm gần đây chính thức mở chuyên ngành Đông Nam Á học và 2 năm vừa qua mỗi năm gần 100 sinh viên đăng ký ngành này. Ngài đại sứ Indonesia tại Việt Nam ông Ibnu Hadi đã gửi giáo viên dạy tiếng Indonesia sang trường tôi, 2 năm vừa qua cũng rất nhiều sinh viên đăng ký học tiếng Indonesia.

Còn tiếng Thái Lan thì đã dạy trong trường 10 năm nay rồi, các trường đại học của Thái Lan thường xuyên gửi sinh viên qua trường chúng tôi học tập, giao lưu.

Gần đây đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh có gửi công hàm cho trường chúng tôi đề nghị tiếp một đoàn 80 sinh viên của Đại học Hoàng gia Pnompenh sang giao lưu với chủ đề là vai trò của tuổi trẻ Đông Nam Á, đặc biệt là Campuchia với Việt Nam trong tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN.

Đáng ngạc nhiên là trong thời kỳ trước chúng ta dồn quan tâm vào những khu vực như Mỹ Latinh, châu Âu, châu Phi mà quên mất láng giềng, hàng xóm. Bây giờ trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, hẳn các nước Đông Nam Á phải là một trong những ưu tiên hàng đầu. Và muốn hiểu được nhau, làm được việc thì trước hết phải thông hiểu ngôn ngữ. Ngôn ngữ giống như chiếc chìa khóa và nếu chưa chú ý đến thì trong thời gian tới cần đẩy mạnh, phải tăng cường dạy tiếng của các nước Đông Nam Á trong trường đại học các nước khu vực.

Có thể nói rằng các nước Đông Nam Á chưa quan tâm một cách đúng mức về vấn đề giáo dục của nhau. Điều này cũng phản ánh xu hướng hướng ngoại của ASEAN. Chẳng hạn về kinh tế, trao đổi nội khối dù đã hơn 50 năm mới chỉ đạt gần 25% tức là chỉ gần 1/4 tổng giá trị trao đổi thương mại các nước ASEAN với nhau. Còn lại 75% là với các đối tác bên ngoài như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ…

Thưa đại sứ Phạm Quang Vinh, ông đánh giá thế nào về vai trò của ASEAN trong việc giúp Việt Nam nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, năng lực xây dựng thể chế cũng như xử lý các vấn đề xuyên quốc gia.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Cho đến năm 1995 thì đúng ASEAN là cánh cửa đầu tiên để chúng ta hội nhập kinh tế với quốc tế khi chúng ta tham gia AFTA, các quy chế về ưu đãi kinh tế, rồi về xây dựng cộng đồng kinh tế trong ASEAN vào thời điểm đó. Sau khi có kinh nghiệm ở khu vực chúng ta đã mở rộng việc tham gia, chẳng hạn gia nhập tổ chức thương mại thế giới TWO và những FTA sau này.

Câu chuyện bây giờ đã rất khác. Rõ ràng chúng ta đã gần bắt kịp rất nhiều mục tiêu kể cả hội nhập kinh tế trong ASEAN, và có thể còn là động lực cho kinh tế chung của ASEAN phát triển. Trong 10 năm qua đã có những biến động về chính trị an ninh trong khu vực, bao gồm cạnh tranh nước lớn như chúng ta vừa nhắc, có cả những biến động về kinh tế như cuộc khủng hoảng gần đây nhất là vào cuối những năm 2009-2010 tác động đến khu vực. Nhưng Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế đứng vững, duy trì được ổn định vĩ mô và tốc độ GDP phát triển tương đối cao.

Hội nhập khu vực đã cho chúng ta bài học để vươn ra biển lớn. Nhưng trong giai đoạn hiện nay khi đã hội nhập sâu rộng và toàn diện với cả khu vực lẫn quốc tế thì chúng ta đã đem lại cho khu vực sự hội nhập ở mức cao hơn và phát triển thuận lợi hơn. 

Thứ hai, chúng ta có hệ thống quan hệ về mặt kinh tế và hội nhập với thế giới trong đó có cả những FTA thế hệ cao, đó là lợi thế lớn để những chuỗi cung ứng trong ASEAN và của khu vực gắn kết với những chuỗi cung ứng rộng hơn, cả với thế giới.

Nhìn nhận lại chuyện buôn bán nội khối trong ASEAN chỉ đạt 23-24% (tức 1/4), muốn tăng tỷ lệ này các nước phải phát triển mạnh hơn và hướng tới hội nhập cao hơn thì tự họ sẽ có không gian để trao đổi sâu rộng hơn. Mặt khác, cái nội khối này phải thành một chuỗi cung ứng gắn với chuỗi cung ứng toàn cầu. Tức là nội khối của anh phải hài hòa phải thống nhất với nhau nhưng ở một mức cao hơn để anh nằm trong chuỗi toàn cầu, để từng nước thành viên trong nền kinh tế ASEAN này có thể là hưởng lợi nhiều hơn và tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị của toàn cầu.

Bối cảnh thế giới cũng như khu vực đang có rất nhiều diễn biến phức tạp, trong khi đó ASEAN có 10 thành viên khác nhau với những bản sắc, cá tính, quyền lợi khác nhau. Việt Nam đã tham gia giải quyết về trụ cột an ninh chính trị với tinh thần là xây dựng một cộng đồng ASEAN vững mạnh, hòa bình và ổn định như thế nào thưa ông Phạm Quang Minh?

Xây dựng ASEAN 2020 “gắn kết và chủ động thích ứng”

GS. Phạm Quang Minh: An ninh chính trị là vấn đề hàng đầu và thực sự cũng được Việt Nam quan tâm hàng đầu. Nhớ lại chính sách đối ngoại của Việt Nam từ năm 1988 với Nghị quyết 13 của Bộ chính trị đã xác định chúng ta mong muốn có một môi trường hòa bình, ổn định để thực hiện công cuộc đổi mới kinh tế nội bộ. Đã hơn 30 năm trôi qua, Việt Nam đã nỗ lực hết sức để cùng với các nước ASEAN đảm bảo một nền hòa bình khu vực không có chiến tranh giữa các nước. Có thể nói đó là thành công lớn nhất của ASEAN, trong đó có sự đóng góp của từng thành viên.

Vì vậy, phải nhấn mạnh một điều rằng vấn đề an ninh của ASEAN là vấn đề chung, không chỉ có an ninh truyền thống mà còn an ninh phi truyền thống. Bởi an ninh truyền thống, vấn đề chủ quyền là một câu chuyện dài có lẽ phải thế hệ này sang thế hệ khác, chứ còn những vấn đề an ninh phi truyền thống, ví dụ đánh bắt cá ở biển hay là vấn đề môi trường hay nạn buôn bán người… là chuyện ảnh hưởng hàng ngày hàng giờ thì ASEAN cũng không được phép quên. Bởi từ chuyện an ninh phi truyền thống rất dễ dẫn đến những xung đột.

Thứ hai, Việt Nam không chỉ đóng góp bằng hành động, mà bằng cả những ý tưởng, quyết tâm giữ gìn nền hòa bình. Chẳng hạn, năm 2002 trước mâu thuẫn về biển Đông căng thẳng như vậy mà ASEAN vẫn ra được Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông DOC. Thực sự đó là thành quả mà Việt Nam là một trong những nước có đóng góp rất quan trọng. Và Việt Nam cũng là một trong những nước đưa ra nhiều sáng kiến để hoàn thành được Bộ quy tắc ứng xử biển Đông COC.

Đó là những nỗ lực rất lớn cho thấy Việt Nam là một thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm. Ba từ này rất quan trọng. Có thể lúc đầu chúng ta chưa chủ động lắm, chưa thể hiện hết nhưng bây giờ đã là lúc Việt Nam có tiếng nói, có vị thế để thể hiện uy tín của mình và trong cộng đồng người ta lắng nghe.

Thể hiện sự ổn định về mặt chính trị, sự thành công trong mô hình chuyển đổi kinh tế chính là đóng góp của Việt Nam, chứ không đơn thuần là chuyện riêng của ta. Ta ổn định thì ASEAN cũng ổn định, những đổi mới bên trong sẽ có sức lan tỏa ra đối với cộng đồng. Các nước trong khối bất ổn thì cả cộng đồng cũng không thể yên được. Bởi ASEAN quan niệm mình là một gia đình, một thành viên “ốm đau”, có vấn đề thì đương nhiên cả cộng đồng cũng không thể nào có được sức mạnh.

Thưa đại sứ Phạm Quang Vinh, đại sứ có quan điểm ra sao về vai trò của Việt Nam trong việc giải quyết những vấn đề nóng của ASEAN, đặc biệt là vấn đề biển Đông?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Có một số điều liên quan biển Đông để chúng ta nhìn nhận đúng hơn vai trò của ASEAN.

Một là trong khu vực này, hòa bình an ninh, an toàn và tự do hàng hải là lợi ích của cả khu vực, của tất cả các nước trên thế giới. Thế cho nên trong thời gian vừa qua không chỉ ASEAN có tiếng nói về chuyện này, mà ASEAN còn gắn kết với các nước để họ cùng đóng góp xây dựng vào đây và cùng có tiếng nói để bảo đảm môi trường hòa bình ổn định ở đây.

Thứ hai là câu chuyện liên quan đến trong khu vực này có những chồng lấn và những tranh chấp đòi hỏi chủ quyền. Nguyên tắc của ASEAN là giải quyết bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế đặc biệt là Công ước về Luật biển 1982, UNCLOS.

Và thứ ba, vấn đề biển Đông có những diễn biến làm phức tạp thêm tình hình. Do đó, quá trình xây dựng lòng tin là quá trình rất quan trọng, đó là làm sao đối thoại, đối thoại giữa ASEAN với nhau, đối thoại giữa ASEAN với Trung Quốc và cùng chia sẻ điều đó với những diễn đàn lớn hơn của ASEAN. Tôi cho rằng đối thoại xây dựng lòng tin này không chỉ để hiểu nhau mà còn để xây dựng các chuẩn mực ứng xử ở đây.

Cho nên câu chuyện làm sao thực hiện tốt Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông DOC rất quan trọng. Thứ hai là trao đổi để làm sao không đẩy tình hình phức tạp, căng thẳng hơn đồng thời phải tôn trọng luật pháp quốc tế và những vùng biển các nước được hưởng theo luật pháp quốc tế đó khi những phức tạp đang nảy sinh trên biển Đông.

Cách ứng xử của ASEAN có những lúc bị đánh giá là “mềm” quá hay không theo kịp. Nhưng ít nhất trong những vấn đề nảy sinh của khu vực này trong đó có biển Đông, ASEAN vẫn giữ được tiếng nói của mình. Từ tiếng nói của anh, các nước bên ngoài soi chiếu vào họ cũng có tiếng nói để nhân lên. Thứ ba là anh sẽ cùng với các nước liên quan xây dựng những chuẩn mực về cách ứng xử ở đây trong đó có hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông COC.

COC chắc chắn phải nhân lên những mặt tích cực của Tuyên bố về cách ứng xử các bên ở biển Đông DOC; phải đảm bảo tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước luật biển; phải xử lý được hậu quả những vấn đề nảy sinh, đặc biệt là sự xâm phạm luật pháp quốc tế và Công ước luật biển. Đó mới là COC mà chúng ta cùng phấn đấu với các nước, chứ không thể là một COC chung chung.

Thưa ông Phạm Quang Minh, chúng ta đã đề cập khá nhiều về trụ cột an ninh chính trị, vậy còn trong lĩnh vực kinh tế thương mại, Việt Nam đã có những sáng kiến gì để thúc đẩy thương mại nội khối hướng tới một ASEAN không còn rào cản?

GS. Phạm Quang Minh: Đây là tiến trình gồm 2 mặt: đổi mới bên trong về mặt kinh tế và sự hội nhập. Chúng ta phải đổi mới về kinh tế bằng cách gia nhập những hiệp định thương mại tự do. Ví dụ, Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do với các nước lớn là đối tác của ASEAN, như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ. Đồng thời chúng ta cũng tham gia hiệp định tự do lớn nhất của khu vực là Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực RCEP, dự kiến trong năm nay sẽ hoàn thành.

Việt Nam đang cam kết bằng nỗ lực của mình, mà nỗ lực này lớn hơn so với các nước khác, bởi chúng ta là nền kinh tế chuyển đổi từ mô hình tập trung bao cấp kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường, gặp khó khăn hơn nhiều so với các nước ASEAN 6. Nhưng Việt Nam vẫn nỗ lực, số lượng mặt hàng hóa mà chúng ta cam kết là sẽ mở cửa, hội nhập vào khu vực thương mại tự do ASEAN lên đến 97%.

Nhớ lại, trước khi chúng ta gia nhập AFTA, bà con mình cứ phải bay sang Thái Lan hay Singapore mua hàng như màn hình LCD, xe máy, nồi cơm điện, lò vi sóng... Bây giờ thì ta có đủ hết, giá cả ngang nhau. Đó là một trong những lợi ích của hội nhập về mặt kinh tế mà Việt Nam đạt được.

Điều quan trọng sắp tới về mặt kinh tế, đúng như Đại sứ Phạm Quang Vinh đã đề cập, chính là chúng ta phải gia nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, chứ không thể chỉ quanh quẩn trong ASEAN.

Quay lại câu chuyện tại sao thương mại nội khối ASEAN chỉ chiếm 1/4 tổng giá trị thương mại. Nền kinh tế các nước ASEAN thứ nhất quy mô vừa và bé, thứ hai là cạnh tranh nhau với nhau chứ không phải bổ sung, nên phải đi tìm đối tác bên ngoài. Việt Nam sản xuất gạo Thái Lan cũng sản xuất gạo, chúng ta sản xuất cao su, Indonesia cũng sản xuất cao su.

Hiện về mặt kinh tế, ASEAN rất hay ở chỗ là ưu tiên cho 8 lĩnh vực mà cho phép sự dịch chuyển về mặt lao động, chẳng hạn nha khoa, du lịch, một số lĩnh vực về logistics… Tức là các ngành cần lao động lành nghề, tay nghề cao chứ không phải lao động đơn giản. Có thể thấy ASEAN đã cân nhắc rất kỹ, tạo ra một cơ sở sản xuất chung, chứ chưa phải là thị trường chung như ở liên minh châu Âu. Đây là bước đầu tạo ra sự hội nhập dần dần tiếp cận từng bước một để các nước thành viên kém phát triển, chậm phát triển hơn vẫn có thể hội nhập một cách đảm bảo, ổn định không tạo ra sự xáo trộn lẫn.

Tôi nghĩ điều này phù hợp với Việt Nam và Việt Nam cũng như các nước khác đang cố gắng tạo ra sự chuyển biến lớn về kinh tế, thu hẹp khoảng cách phát triển. ASEAN 4 và ASEAN 6 đang từng bước thu hẹp khoảng cách và nếu hoàn thành được RCEP thì sẽ tạo ra sức bật mới cho nền kinh tế của Việt Nam. Việt Nam đã cố gắng rất lớn không chỉ trong RCEP mà cả Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP.

Thách thức đan xen cơ hội

Năm 2020 Việt Nam kỷ niệm 25 năm gia nhập ASEAN và sẽ đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên của Hiệp hội. Theo đại sứ Phạm Quang Vinh Việt Nam đã chuẩn bị những gì cho dấu mốc quan trọng này?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Tôi nghĩ  Việt Nam chuẩn bị ở cả 2 mức, thứ nhất là tâm thế và hai là những chuẩn bị cụ thể. Về tâm thế, trong mấy chục năm đổi mới, đặc biệt là trong 10 năm vừa qua, Việt Nam đã có những bước tiến rất dài. Thứ nhất là sự vững mạnh cả về kinh tế, chính trị và các lĩnh vực khác nhờ công cuộc đổi mới. Thứ hai, Việt Nam không chỉ trong hội nhập ASEAN mà còn hội nhập quốc tế rất sâu rộng, tham gia những FTA chất lượng cao và tiêu chuẩn cao hơn.

Nhưng quan trọng nhất là tình hình quốc tế trong những năm gần đây và trong năm sau khi chúng ta làm chủ tịch ASEAN sẽ vẫn tiếp tục biến động trên tất cả các mặt về cạnh tranh địa chiến lược với các nước lớn. Điều này tạo ra những thách thức mới về an ninh đối với khu vực này, cuộc cạnh tranh đó sẽ tạo ra sự bất ổn mà cũng là thách thức đối với phát triển ở khu vực này. Hầu hết các nước ở trong khu vực này đều hướng vào xuất khẩu, vậy cuộc cạnh tranh này và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng tác động ra sao, sức bền của nền kinh tế và chống chọi của nền kinh tế khu vực này ra sao.

Thứ ba, giữa những bất ổn đó thì việc xây dựng cộng đồng ASEAN vẫn phải tiếp tục. Chúng ta đã chuẩn bị tâm thế nên chúng ta mới đề ra được chủ đề của năm ASEAN 2020 "Gắn kết và Chủ động thích ứng”.

Ở đây, tôi nghĩ “gắn kết” còn vượt lên trên đoàn kết, mà là tạo sức mạnh vừa đồng thuận vừa là sức mạnh nội khối của ASEAN liên kết trên cả 3 trụ cột. Còn “thích ứng” bao gồm cả thích ứng của ASEAN với bên ngoài. Chuyển biến mang đến cả khó khăn lẫn thuận lợi.  Chẳng hạn cách mạng khoa học công nghệ nếu không theo kịp anh sẽ bị thụt lùi, nhưng nếu nắm bắt kịp thì sẽ đưa đất nước, khu vực vượt lên.

Còn về mặt chuẩn bị thì cách đây một năm chúng ta đã lập ủy ban quốc gia và đã rà soát tất cả các mặt để chuẩn bị cả về nội dung, hậu cần và an ninh kĩ thuật. Chúng ta đã tổ chức những hội nghị quốc tế lớn, đội ngũ cán bộ đã chuyên nghiệp hơn rất nhiều, năng lực cũng được nâng cao hơn nhiều, do đó chắc chắn chúng ta sẽ làm được.

Đại sứ có thể nói rõ hơn những thách thức, khó khăn khi Việt Nam đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên này?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Tôi nghĩ thách thức lớn nhất là thách thức từ nội tại ASEAN. Đến giớ ASEAN đã đi một chặng đường được coi là thành công và khi giữ vai trò chủ tịch chúng ta cũng phải giữ được sự thành công. Trong khi đó ASEAN đang vào giai đoạn hội nhập cao hơn, đặt ra những yêu cầu về cải cách trong nước.

Thứ hai là đứng trước cạnh tranh giữa các nước lớn làm sao ASEAN đoàn kết được, đặt ra vai trò của chủ tịch phải thúc đẩy tham vấn với các nước tìm mẫu số chung.

Thứ ba là bối cảnh cả thách thức và cơ hội đan xen khi nền kinh tế thế giới chuyển đổi dưới cách mạng số và cách mạng khoa học công nghệ, không đạt được điều này thì ASEAN không tiến được, từng nước không tiến được và bị tụt hậu với thế giới, nhưng không phải nước nào cũng đã sẵn sàng cho nền kinh tế số.

Thách thức bao gồm cả về an ninh, cả về kinh tế nhưng thách thức đan xen với cơ hội, do đó làm sao chúng ta vừa trụ được, ứng phó với thách thức nhưng quan trọng hơn là phải tranh thủ cơ hội.

Chúng ta đã đề cập đến thách thức, vậy còn về mặt cơ hội, Việt Nam sẽ có cơ hội như thế nào để khẳng định vị thế mới của mình trong khu vực cũng như quốc tế khi đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN, thưa ông Phạm Quang Minh?

GS Phạm Quang Minh: Đúng như Đại sứ Phạm Quang Vinh nói, thực sự thách thức rất nhiều nhưng trong thách thức có cơ hội.

Thứ nhất về mặt chính trị, có thể nói so với tất cả các nước trong khu vực chúng ta có một nền chính trị tương đối ổn định, uy tín, vị thế của Việt Nam đã cao hơn rất nhiều. Các nước ủng hộ Việt Nam và sẵn sàng hỗ trợ ta thực hiện vai trò chủ tịch ASEAN.

Năm tới, Việt Nam không chỉ giữ vị trí chủ tịch ASEAN mà còn cả vị trí thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc lần thứ hai. Hai nhiệm vụ đó hỗ trợ cho nhau, làm tốt ở bình diện khu sẽ hỗ trợ cho bình diện quốc tế, toàn cầu và ngược lại.

Thứ hai, về mặt kinh, có thể nói trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua thành công về mặt kinh tế của Việt Nam rất rõ ràng. Từ một nền kinh tế tập trung hành chính hóa quan liêu bao cấp chúng ta chuyển sang nền kinh tế thị trường, thu nhập bình quân từ chỗ chưa tới 200 đô la/ người bây giờ là hơn 2.000 đô la. Chúng ta thu hút được lượng vốn FDI lớn của các nước, trao đổi thương mại tăng lên, xuất khẩu đạt mức chưa từng có cả trăm tỷ đô la một năm.

Mặt văn hóa xã hội cũng vậy, sự khôi phục các giá trị văn hóa, sức sống của một nền văn hóa càng được thể hiện rất rõ trong bối cảnh mới, những giá trị văn hóa vẫn được bảo vệ.

Những thắng lợi chung về mặt chính trị, kinh tế và văn hóa như vậy nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Chúng ta đã tự tin hơn sau lần đảm nhiệm vị trí chủ tịch ASEAN năm 2010, đã tổ chức nhiều hội nghị thượng đỉnh, đội ngũ các nhà quản lý đặc biệt các nhà ngoại giao dày kinh nghiệm và có khả năng gắn kết.

Do đó, tôi nghĩ chủ đề Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra là “gắn kết và chủ động thích ứng” rất phù hợp, thể hiện mối quan tâm của chúng ta vẫn phải là gắn kết cộng đồng của ASEAN bởi còn tồn tại sự khác biệt, bởi có những sự lo ngại về việc tác động của các nước lớn. Sự gắn kết sẽ đem lại thành công cho cả hiệp hội. Còn “chủ động thích ứng” là bởi thế giới đang thay đổi rất nhanh thời cách mạng công nghiệp 4.0.

Vì vậy, đưa ra được chủ đề mà các nước khác đồng ý, nhất trí, đồng tình cũng là một thuận lợi để chúng ta có thể đảm nhiệm thành công vai trò chủ tịch năm 2020, mặc dù có rất nhiều thách thức.

Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, 3 lợi ích hàng đầu của Việt Nam khi trở thành thành viên ASEAN là gì?

Xây dựng ASEAN 2020 “gắn kết và chủ động thích ứng”

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Tôi nghĩ câu chuyện ở đây là sự tương tác. Một là Việt Nam rất ưu tiên và coi trọng ASEAN vì lợi ích hàng đầu của Việt Nam là qua môi trường sát sườn nhất này để xây dựng được môi trường hòa bình ổn định và hợp tác phát triển.

Thứ hai là cùng với ASEAN, thông qua ASEAN ta đóng góp vào hội nhập thì chính hội nhập giúp Việt Nam mở rộng hội nhập ra cả khu vực và thế giới.

Thứ ba là nâng cao vị thế và uy tín. Chúng ta đóng góp vào ASEAN, ASEAN tạo được uy tín, thì thông qua ASEAN chúng ta cũng nâng được uy tín.

GS Phạm Quang Minh có bổ sung gì không ạ?

GS. Phạm Quang Minh: Lợi ích Việt Nam đạt được chắc chắn là rất lớn. Quay trở lại thời điểm năm 1995, khi ta mới tiến hành công cuộc đổi mới được 9 năm, thấy lúc đó uy tín, vị thế của Việt Nam còn thấp lắm. Người ta còn nghi ngờ, e ngại về một thành viên mới của ASEAN lúc đó, bản thân chúng ta cũng không hiểu ASEAN lắm. Trải qua 1/4 thế kỷ trở thành thành viên của ASEAN, bây giờ rõ ràng về mặt chính trị chúng ta đã tạo dựng được một môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển. Về mặt kinh tế, hiện trong top 5 những nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Việt Nam có Singapore. Singapore quan hệ kinh tế Việt Nam rất là tốt. Rồi quan hệ với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia… cũng rất tiềm năng. Điều này tạo ra nền tảng phát triển trong tương lai.

Cơ hội về kinh tế biển của Việt Nam cũng rất lớn. Chúng ta tham gia vào trong một không gian biển mà ở đó chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở chắc chắn cũng là một cơ hội.

Còn về mặt văn hóa xã hội thì rõ ràng cũng là thành công lớn khi chúng ta vẫn khẳng định được bản sắc của mình trong tiến trình hội nhập, tạo dựng cho ASEAN một tầm nhìn và một cộng đồng cũng như một bản sắc. Vì sao ASEAN và Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ lẫn nhau như vậy? Là bởi có sự chia sẻ, sự tương đồng về mặt lợi ích, sự ngang bằng, phù hợp về trình độ. Nếu ai đó bây giờ vẫn còn cho rằng ASEAN chỉ là một talkshow, chỉ là nơi mọi người đến gặp gỡ nhau rồi quay trở về lại tiếp tục công việc của mình, còn cam kết chỉ lỏng lẻo thì đó là sai lầm. Tôi nghĩ rằng phải thay đổi lại nhận thức, và thay đổi nhận thức về ASEAN trong 25 năm qua là một thành công rất lớn của Việt Nam.

Thưa quý vị và các bạn, buổi tọa đàm trực tuyến hôm nay phần nào giúp chúng ta hiểu rõ hơn ASEAN cũng như quá trình Việt Nam tham gia ASEAN và những công tác chuẩn bị của Việt Nam cho năm 2020 khi đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN. Xin cảm ơn hai vị khách mời đã tham gia buổi tọa đàm trực tuyến của Báo VietNamNet.

Theo Vietnamnet.vn

Kommentare 0